Lo ngại cồng kềnh, chậm trễ trong đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế
Thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, ngày 5/4, ĐBQH Tạ Văn Hạ nêu thực trạng có những bệnh viện công đủ khả năng mua ngay được thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng phải trình lên sở y tế, chờ sở đấu thầu, 6 tháng mới ra được thuốc, rất bất cập.
Báo cáo của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) cho thấy, dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội quy định một số trường hợp cho phép đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện trong một số trường hợp. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số ĐBQH đề nghị hạn chế sử dụng hình thức này, tránh tạo kẽ hở trong thực thi luật. Do đó, Thường trực UBTCNS tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, đảm bảo quy định thống nhất với Luật 03/2022/QH15.
ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, không nên đấu thầu trước, mà chỉ sau khi các dự án xây dựng hoàn thành rồi mới tổ chức đấu thầu. "Vì hiện tình trạng giải phóng mặt bằng rất khó khăn, nếu cho đấu thầu xong rồi mà chưa giải phóng mặt bằng xong, dự án bị đội vốn lên thì ai chịu trách nhiệm?" - ông nói.
"Đấu thầu trước là không có cơ sở. Chúng ta nói quy định này là cái mới nhưng chưa có căn cứ", ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đồng tình và lý giải, khi dự án hình thành phải đủ căn cứ pháp lý, kiểm tra kỹ thuật, phải rõ nguồn vốn mới được chỉ định thầu. Bên cạnh đó, đấu thầu vướng mắc trong khu vực nhà nước chủ yếu là do tổ chức thực hiện. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị phải rõ, bảo đảm công khai minh bạch, cạnh tranh, tuân thủ các quy định, cam kết quốc tế.
Về đấu thầu thuốc, vật tư y tế, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần xem xét vấn đề đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia và đấu thầu địa phương. "Người mua đi đấu thầu thì họ không sử dụng, trong khi lại cấp phát cho cả nước. Vừa rồi có những sở y tế chỉ có 2 người phụ trách mảng đấu thầu, khi anh ốm hay bị vấn đề gì đó thì thuốc bị chậm trễ, dân thì cần nhưng cả tỉnh ngồi chờ. Đây là vấn đề liên quan sức khoẻ, tính mạng của người dân không thể để vậy được", ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề cập thực tế và cho rằng, có những bệnh viện công đủ khả năng mua ngay được thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng phải trình lên sở, chờ sở đấu thầu, 6 tháng mới ra được thuốc thì rất bất cập. Ngành y tế là ngành đặc thù, cần xem lại quy định đấu thầu giá thuốc tập trung như thế nào cho phù hợp.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, việc đấu thầu tập trung đối với thuốc, thiết bị vật tư y tế số lượng lớn là rất cồng kềnh. "Tôi đã chứng kiến một giám đốc sở y tế ngồi quay quắt, đã mấy tháng rồi chưa đấu thầu được, chưa tập trung đủ số lượng. Chỉ một cái băng, gạc, kim tiêm cũng 3-4 chủng loại, mà tuỳ theo từng loại bệnh nhân, từng loại bệnh, mục đích sử dụng khác nhau. Nếu tập hợp hết lại để đấu thầu là rất tốn kém, mất thời gian, cồng kềnh", ông phân tích.
Từ đó đại biểu đề nghị đối với thuốc, thiết bị y tế số lượng lớn, rất lớn nên quy định để các bệnh viện tự đấu thầu là chính, hạn chế bớt thủ tục, vì họ sẽ chủ động hơn, hợp lý và kịp thời hơn, không cồng kềnh, không chờ đợi, không lãng phí. Vì có trường hợp cần loại này, tên như thế nhưng sau đó mua về chủng loại khác, dùng không được, rất lãng phí, phải bảo người nhà bệnh nhân ra ngoài mua. "Đừng sợ tiêu cực, tham ô, tham nhũng, vì chúng ta còn rất nhiều cơ chế, quy định khác để kiểm soát", đại biểu nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đánh giá, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của nhân dân vừa qua có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước...