Lo ngại "độc quyền" ngành điện, thắt chặt nguồn cung, đẩy giá điện tăng cao

16:23 07/11/2024

Nhu cầu về điện ngày càng tăng cao, nhưng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thắt chặt, kiểm soát nguồn cung, cũng như quy định nhiều giấy phép tại Điều 47 sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Đề cập đến vấn đề độc quyền của ngành điện lực, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) dẫn điểm c, khoản 2, Điều 5 dự thảo luật quy định "Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện, truyền tải điện, trừ lưới điện truyền tải điện do tư nhân đầu tư xây dựng" và cho biết như vậy là mâu thuẫn với khoản 5, Điều 5 quy định "xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác, sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải quốc gia trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật".

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh đề cập đến vấn đề độc quyền của ngành điện lực.

 Ông cho rằng, lưới điện quốc gia hiện nay khoảng 95% do Nhà nước đầu tư thì không thể xã hội hóa được theo khoản 5, Điều 5 của dự thảo luật. Từ đó, đại biểu kiến nghị sửa lại điểm c, khoản 2, Điều 5 như sau: "Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp".

"Hiện nay đang thiếu điện, nhưng EVN vẫn đều đều cắt giảm, sa thải sản lượng điện của các dự án điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ đã ký với nhà đầu tư hợp đồng 20 năm không có điều khoản cắt giảm, trong khi EVN tăng giá bán điện là chưa đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo quyết định 13/2020/QĐ-Ttg của Thủ tướng chính phủ" - đại biểu nhấn mạnh.

Về vấn đề phân cấp, phân quyền, ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị Trung ương chỉ duyệt quy hoạch các công trình điện; việc thẩm định, phê duyệt dự án giao lại cho địa phương thực hiện, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành điện. "Như vậy mới đúng với chỉ đạo của Tổng Bí thư về đột phá thể chế, giảm thủ tục hành chính. Ví dụ quy định tại khoản 3, Điều 19 của dự thảo luật quy định tất cả các dự án thủy điện phải do Bộ Công thương thẩm định là chưa đúng với chủ trương trên của Đảng và Nhà nước", ông nhận định.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên họp.

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh cũng đánh giá dự thảo luật còn nhiều quy định thể hiện thể hiện "sự độc quyền" của ngành điện lực, ví dụ tại điểm b, khoản 4, Điều 33, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thoả thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư, hoặc bên bán điện chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống đo đếm tại điểm c, khoản 4 của dự thảo luật, giữa các doanh nghiệp và điện lực là phải hợp tác bình đẳng, nên bỏ những chữ "trách nhiệm".

"Nhu cầu về điện ngày càng tăng cao, nhưng dự thảo luật thắt chặt, kiểm soát nguồn cung, cũng như quy định nhiều giấy phép tại Điều 47 sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng", đại biểu lo ngại.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, sửa đổi Luật Điện lực cần phải đồng thời đáp ứng cả 2 mục tiêu là, vừa đạt mục tiêu trước mắt, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa đạt mục tiêu lâu dài, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Quang cảnh hội trường.

"Tôi đặc biệt quan tâm đến nhu cầu cấp thiết cần phải khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên sẵn có, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới để đạt đồng thời 2 mục tiêu nêu trên, vì hiện nay nguồn lực ngoài Nhà nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực này rất nhiều, nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, sẽ làm lãng phí lớn nguồn lực xã hội như nhiều trường hợp dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không thể hoà lưới thương mại...", ông nêu quan điểm.

Về quy định điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi ở Điều 46, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung "hình thức đầu tư tư nhân và đầu tư có vốn nước ngoài trên nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc phòng". Vì hiện dự thảo luật chỉ quy định trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được tham gia thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, với sự tham gia của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% hoặc cổ phần chi phối. Nếu quy định như vậy sẽ làm hạn chế các nguồn lực đầu tư khác tham gia vào phát triển điện gió ngoài khơi, điển hình như các nguồn lực từ hình thức đầu tư tư nhân hoặc hình thức đầu tư có vốn nước ngoài.

ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị dự thảo luật cần có quy định chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất thiết bị điện gió đến Việt Nam đầu tư và chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong nước.

"Điều này giúp nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; hoặc cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách ưu đãi cho hoạt động nhập khẩu thiết bị lõi của các dự án năng lượng tái tạo như Turbin gió, hay cánh quạt gió... Vì về lâu dài, chúng ta cần phải làm chủ công nghệ chế tạo các loại thiết bị lõi của lĩnh vực năng lượng tái tạo...", ông góp ý.

Quỳnh Vinh

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文