Lo ngại kẻ chủ mưu vụ án sử dụng người chưa thành niên như công cụ phạm tội
Dẫn quy định Điều 38 dự thảo luật, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Công Long lo ngại, tội ít khi phạm phải thì bị loại trừ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, trong khi nhóm tội phổ biến, hay vi phạm lại được xử lý chuyển hướng. Những người đã thành niên, kẻ chủ mưu, băng nhóm có thể lợi dụng, sử dụng người chưa thành niên phạm tội như các công cụ phạm tội, dẫn đến tính phòng ngừa, răn đe giảm đi...
Sáng 27/8, tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên phạm tội.
Đánh giá kỹ để tránh "tội phạm gia tăng mà hình phạt giảm nhẹ"
ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, dự án luật này điều chỉnh hành vi của người chưa thành niên - một lứa tuổi, đối tượng rất đặc biệt, do đó, các ý kiến khác nhau của các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải được xem xét, nhất là văn bản mới nhất của Bộ Công an.
"Nếu trong phòng xét xử, chúng ta nhìn thấy những giọt nước mắt ăn năn hối hận của các bị cáo trẻ tuổi và thấy rằng phải quy định những chính sách thật là nhân văn, nhân đạo; nhưng, chỉ cách đó ít ngày thôi, cả mấy chục người hung hãn, tay cầm dao phóng lợn, đao kiếm, có thể rút ra chém bất cứ ai... thì chắc chắc những CBCS đang phải đối mặt với những đối tượng này từng ngày, từng giờ, quan điểm của họ sẽ khác", ông phân tích và đề nghị cần xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng ý kiến của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Về các trường hợp không được xem xét áp dụng xử lý chuyển hướng, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 14 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 8 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong khi dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên phạm tội quy định, đối với lứa tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã loại trừ chỉ còn 5 nhóm tội danh; đối với lứa tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ còn 6 nhóm tội danh.
Theo báo cáo đánh giá tội phạm, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi chủ yếu phạm các tội về xâm phạm sở hữu như giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm. Nhóm tội về ma tuý chủ yếu tập trung tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý, trong khi đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ có 1 tội danh không áp dụng xử lý chuyển hướng là tội sản xuất các chất ma tuý.
"Thực tiễn, nhóm tội chủ yếu lứa tuổi này phạm phải là tàng trữ, mua bán, vận chuyển, còn sản xuất ma tuý đòi hỏi yêu cầu quy trình, kiến thức rất cao, lứa tuổi này ít có trường hợp nào được tham gia sản xuất. Nếu loại trừ như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng, tội ít khi phạm phải thì loại trừ chuyển hướng, trong khi nhóm tội phổ biến, hay vi phạm lại được chuyển hướng. Đành rằng, chúng ta giải trình, dự thảo luật có sự thay đổi nhất định trong áp dụng xử lý chuyển hướng, nhưng những quy định này không chỉ tác động với người chưa thành niên phạm tội, mà còn có thể tác động đến những người đã thành niên, kẻ chủ mưu, băng nhóm. Họ có thể lợi dụng, sử dụng người chưa thành niên phạm tội như các công cụ phạm tội, vì người chưa thành niên phạm một số tội này sẽ không bị xử phạt. Dẫn đến tính phòng ngừa, răn đe giảm đi", ĐBQH Nguyễn Công Long phân tích.
Theo ông, năm 2023, tội phạm chưa thành niên tăng 14% so với năm trước và xu hướng 5 năm đều tăng. Chúng ta thay đổi chính sách trong bối cảnh tội phạm gia tăng mà hình phạt giảm nhẹ đi thì cần đánh giá kỹ. Đại biểu đề nghị các cơ quan tư pháp có sự trao đổi, thống nhất rất kỹ trước khi trình Quốc hội, vì sẽ có tác động rất lớn. Nên đảm bảo khi trình ra Quốc hội, các cơ quan không còn mâu thuẫn, không còn ý kiến khác nhau.
Về các tội trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm nhiều nhất là giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... thì cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản đã bị loại ra, để cho phép hoặc là áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng, hoặc là áp dụng hình phạt, ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng "chưa thấy có sự lý giải thấu đáo nào", ông đề nghị cân nhắc, những loại tội danh nào có tính phổ biến đối với lứa tuổi trên thì không nên loại trừ một cách triệt để, thay đổi quá lớn như Điều 38 dự thảo luật.
Nên có phân trại riêng cho người chưa thành niên
Liên quan việc bảo đảm thi hành án phạt tù, khoản 3 Điều 19 dự thảo luật quy định: "Người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam". ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc giam giữ riêng người chưa thành niên chấp hành án phạt tù là cần thiết và nhất quán với các quy định pháp luật liên quan trong hệ thống pháp luật hiện nay. Tuy nhiên, cần xem xét xét, tính toán đến nguồn lực để thực hiện, tránh trường hợp như hiện nay, trong một số lĩnh vực, mặc dù đã có những quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhưng trên thực tế, hệ thống cơ sở vật chất không đảm bảo, gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...
ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đánh giá, trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên thể hiện chính sách tốt đẹp của chế độ, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các trại giam riêng rất khó khăn, chưa nói đến điều kiện kinh tế - xã hội, nếu xây được cũng chỉ là các trại theo khu vực, cự ly từ quê quán người chưa thành niên đến trại rất xa, trách nhiệm trong thăm nuôi, giáo dục của gia đình sẽ khó khăn. Do đó, trước mắt, đại biểu đề nghị quan tâm phân trại dành riêng cho người chưa thành niên, khi có điều kiện sẽ xây dựng trại giam riêng cho người chưa thành niên.
Trong khi đó, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị, không nhất thiết xây dựng trại giam riêng cho người chưa thành niên phạm tội, vì nếu dự thảo luật được thông qua đã thống nhất xử lý chuyển hưởng thì nhiều trẻ em không phải nằm trong trại giam mà ở trường giáo dưỡng hoặc ở ngoài cộng đồng, xây thêm trại giám sẽ tốn kém. "Tuy nhiên, trẻ vị thành niên nên có khu giam riêng, tách biệt với người lớn, sẽ phù hợp", ông bổ sung.
Về vấn đề tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phân tích dưới các góc cạnh: thời gian xử lý vụ án, thủ tục hành chính và chi phí thực hiện. "Về thời gian xử lý vụ án hình sự, khi tách vụ án, mong muốn của chúng ta là xử lý nhanh hơn các vụ án bình thường, nhưng chúng tôi nghĩ, vấn đề ở đây là bản án và hình phạt tù. Việc thời hạn tạm giam dài hay ngắn không có ý nghĩa nhiều khi việc chúng ta xem xét cuối cùng là bản án", ông lý giải.
Bên cạnh đó, khi tách vụ án hình sự, đang từ 1 vụ tách thành 2 vụ thì một số hoạt động điều tra như thực nghiệm điều tra, đối chất, đưa bị can từ vụ án này sang vụ án khác...sẽ gây rườm rà, phát sinh thủ tục hành chính. Về chi phí, khi tách vụ án sẽ làm tăng số lượng điều tra viên, kiểm sát viên, hội đồng xét xử..., khiến tốn kém hơn về chi phí. Còn nếu để nguyên thì tiết kiệm hơn. Từ đó đại biểu đề nghị xem xét không tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên.
Điều 36, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên phạm tội quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng:
1. Khiển trách.
2. Xin lỗi bị hại.
3. Bồi thường thiệt hại.
4. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
5. Quản thúc tại gia đình.
6. Hạn chế khung giờ đi lại.
7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.
8. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.
9. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề.
10. Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý.
11. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.