Lộ nhiều sai phạm trong quản lý tài nguyên khoáng sản và đất đai

08:02 23/09/2022

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như chuyên đề “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”. Điều đáng chú ý, thông qua các cuộc kiểm toán, nhiều sai phạm trong quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai ở nhiều địa phương đã được chỉ rõ.

Quản lý khai thác khoáng sản: Đụng đâu sai đó

Một trong những chuyên đề được quan tâm nhất trong các cuộc kiểm toán đầu năm 2022 là chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 – 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Bình Định, Cao Bằng, Bình Phước.

Tại một số địa phương, việc cấp phép khai thác khoáng sản được Kiểm toán Nhà nước phát hiện thực hiện chưa đúng thẩm quyền, quy định.

Kết quả kiểm toán các đơn vị nói trên cho thấy, một số mục tiêu của chiến lược khoáng sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2427/QĐ-TTg chưa đạt theo tiến độ. Cụ thể như mục tiêu về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; mục tiêu về khai thác, chế biến khoáng sản; mục tiêu hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản còn dang dở, thiếu đồng bộ, công nghệ chế biến còn lạc hậu, ô nhiễm môi trường…

Ngoài một số mục tiêu chưa đạt được, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra 6 tỉnh gồm Bắc Kạn, Bình Phước, Hòa Bình, Đắk Lắk, Lai Châu, Ninh Thuận bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản chưa phù hợp quy định. Việc phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại nhiều địa phương chậm như TP Đà Nẵng, Cần Thơ; An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Lắk, Gia Lai…Đáng chú ý là ở tỉnh Bình Định có 9 mỏ vật liệu được UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương bổ sung quy hoạch khoáng sản của tỉnh nhưng chưa được phê duyệt. Liên quan tiếp đến tỉnh Bình Định, KTNN còn chỉ ra tỉnh này cấp phép khai thác khoáng sản 4 mỏ đất san lấp với diện tích khai thác là 48,02ha, trong đó có 29,14ha không thuộc quy hoạch được duyệt.

Tại Quảng Ngãi, Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá các khu vực khoáng sản không có trong quy hoạch được phê duyệt. Chưa dừng lại, KTNN cũng phát hiện tại Quảng Ngãi, một số đơn vị khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không có hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc khoanh định theo quy định gồm: 5 mỏ đá làm vật liệu xây dựng (chưa cấp giấy phép khai thác) và 113 mỏ đất làm vật liệu san lấp.

Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy phép khai thác không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho 21 mỏ cát khi chưa thực hiện khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; 66 quyết định phê duyệt trữ lượng không thực hiện cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; cấp 4 giấy phép khai thác khi không có ngành nghề khai thác đất đồi; 3 giấy phép được cấp trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 30% tổng mức đầu tư dự án và 2 dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch; 17 hồ sơ chưa có văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu. Vẫn ở tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh ủy quyền cho các huyện, thành phố cấp giấy phép khai thác đối với 38 khu vực khoáng sản (sản lượng 110.350,2m3) không đúng thẩm quyền, cấp phép và chuyển nhượng quyền khai thác đá bazan làm phụ gia xi măng thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT.

Tương tự tại Đắk Lắk, sau khi kiểm toán vào cuộc cũng phát hiện việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho 11 đơn vị vượt diện tích được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản; cấp 3 giấy phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi có thu hồi khoáng sản nhưng ghi “tận thu” khoáng sản là không đúng quy định tại Điều 67 Luật Khoáng sản. Tình trạng này cũng diễn ra ở tỉnh Hà Nam, cấp phép đối với diện tích điều chỉnh mở rộng mỏ cho Công ty Cổ phần khai thác chế biến đá Minh Sơn và Công ty TNHH Thi Sơn có chồng lấn diện tích cấp phép khai thác cho Nhà máy xi măng Bút Sơn, nay là Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn.

Tại tỉnh Hà Giang, KTNN phát hiện 77 điểm mỏ chưa tính tiền thuê đất, khai thác khi chưa có thiết kế mỏ. Tại Thừa Thiên - Huế, nhiều doanh nghiệp khai thác khi không có giấy phép. Ninh Thuận  khai thác vượt công suất. Khánh Hoà  sử dụng khoáng sản sau khai thác sai mục đích. Đặc biệt, KTNN cũng chỉ rõ, hầu hết các địa phương còn trường hợp đã kết thúc thời hạn khai thác nhưng chậm làm thủ tục đóng cửa mỏ. Bên cạnh đó, qua kiểm toán cũng cho thấy, một số chế độ chính sách còn chưa phù hợp, thống nhất dẫn đến trong quá trình thực hiện còn lúng túng, khó áp dụng…

Vẫn “nóng” vi phạm liên quan đến đất đai

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021, đoàn công tác kiểm toán chuyên đề đã làm rõ, còn có tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đúng thẩm quyền; lập, thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện chậm; phê duyệt bổ sung các dự án thu hồi đất khi chưa được HĐND tỉnh thông qua; chưa công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trên cổng thông tin điện tử…; lập, thẩm định, phê duyệt giá đất chậm, hồ sơ không đầy đủ; xác định giá đất để đấu giá thuê đất trả tiền một lần không phù hợp; làm nhà, xây dựng kiến trúc trên đất nông nghiệp hoặc không phải đất ở (như ở tỉnh Lào Cai); một số dự án được giao đất, cho thuê đất nhiều năm nhưng chưa phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hết thời hạn thuê đất nhưng chưa làm thủ tục gia hạn; đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 chưa tuân thủ theo quy hoạch phân khu 1/2000; chậm công bố công khai đồ án quy hoạch, quy hoạch điều chỉnh (tỉnh Cà Mau).

Chưa thực hiện thu hồi đất đối với các dự án chậm sử dụng đất nhiều năm; chưa thu tiền bảo vệ đất trồng lúa đối với các dự án đấu giá đất; giá đất nông nghiệp, đất ở tại đô thị còn bất cập; đất nông nghiệp do UBND cấp xã quản lý, đất mặt nước chuyên dùng, đất xen kẹt chưa được quản lý chặt chẽ, còn nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng…; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất chung của tỉnh; kế hoạch sử dụng đất chưa phù hợp với khả năng thực hiện… (tỉnh Bắc Ninh).

Ngoài ra, kết quả kiểm toán cho thấy, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật về quản lý đất đai còn bất cập như chưa có hướng dẫn về việc quyết toán chi phí hạ tầng tính trong chi phí phát triển của phương án giá đất của các dự án. Thời điểm xác định giá đất theo quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn chưa quy định cụ thể thời điểm bắt đầu tiến hành công tác định giá đất và thời điểm bắt buộc phải ban hành quyết định phê duyệt giá đất khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến chậm thu tiền sử dụng đất vào NSNN; chưa quy định cụ thể về thẩm quyền và trình tự thực hiện việc điều chỉnh giá đất, tiền sử dụng đất theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... Tất cả các bất cập trên đều gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trước hàng loạt phát hiện kể trên, KTNN đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN, đặc biệt là việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước.

Đặng Nhật

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh việc thành lập, triển khai tổ chức bộ máy của Công an TP Huế là sự kiện chính trị rất quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới của lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chiều 29/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới khi TP Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông (ATGT) để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của CBCS để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông

Quy định 3 chế độ quản lý dao có tính sát thương cao gắn với mục đích sử dụng; bổ sung các loại vũ khí quân dụng; cắt giảm các giấy tờ, thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ... là một số điểm mới được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Sáng 29/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (SN 2000, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Thái Nguyễn Triều (SN 2004, trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

100 sinh viên Học viện CSND đến hiến máu trong lễ phát động Chủ nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025. Chủ nhật Đỏ đã thu được hơn 400 nghìn đơn vị máu, phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho hàng trăm nghìn người bệnh trong suốt 16 năm qua.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Câu chuyện “lương, thưởng Tết cuối năm” luôn là vấn đề được hàng triệu người lao động quan tâm. Dù việc thưởng Tết không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu đã trở thành văn hóa của các đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam. Thưởng Tết cũng là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ nghề nghiệp, không chỉ mang lại niềm vui, sự quan tâm, còn là động lực để người lao động thêm gắn bó với nơi làm việc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文