Loay hoay tìm nguồn 2.510 tỷ đồng thực hiện Dự án sây bay Long Thành
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, toàn bộ số vốn kế hoạch năm 2020, 2021 còn lại chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán theo quy định thì rất khó để trình Quốc hội. Vì thế, để tháo gỡ vướng mắc thì có 2 phương án là lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023, hoặc nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024.
Chiều 15/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, liên quan đến việc bố trí nguồn vốn cho dự án cũng đang còn ý kiến khác nhau. Thường trực UBKT nhận thấy, theo quy định của Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công năm 2020 chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/12/2021; trong khi kế hoạch đầu tư công năm 2021 của dự án đã được Chính phủ cho phép kéo dài giải ngân đến ngày 31/12/2022. Do đó, đến thời điểm hiện nay, toàn bộ số vốn kế hoạch năm 2020, 2021 còn lại chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán theo quy định.
"Về nguyên tắc, UBND tỉnh Đồng Nai phải nộp toàn bộ số vốn chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 về ngân sách Trung ương. Số tiền thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và năm 2020 đã hủy dự toán theo quy định của pháp luật, do đó, phương án Chính phủ đề xuất tại Tờ trình số 558 ngày 16/10/2023 không thể thực hiện được", ông nói.
Tuy nhiên, tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho rằng, do khó khăn trong việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng như cân đối hằng năm cho dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng sang năm 2024 để hoàn thành dự án, tương tự như Quốc hội đã cho phép gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2018 tại Nghị quyết số 29 ngày 28/7/2021; và tương tự như Quốc hội đã cho phép gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 bổ sung cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét...
Trên cơ sở Thông báo Kết luận của UBTVQH số 2847 ngày 5/10/2023, ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội về nội dung nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 2991 ngày 2/11/2023 đề nghị Chính phủ bổ sung Tờ trình về việc đề xuất nguồn để bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí dự toán hằng năm vì số tiền 2.510,372 tỷ đồng đã hủy dự toán, không còn tiền để chuyển nguồn.
"Đến hết ngày 14/11/2023, Thường trực UBKT vẫn chưa nhận được Tờ trình chính thức của Chính phủ về nội dung nêu trên", Chủ nhiệm UBKT thông tin và trân trọng báo cáo UBTVQH xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý với việc cho kéo dài thời hạn thực hiện dự án tới năm 2024. Riêng việc bố trí nguồn vốn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải bảo đảm đúng luật, trường hợp quyết định khác cũng không để xảy ra xung đột pháp luật. "Mà như báo cáo của UBKT, đến nay chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thừa nhận, hiện đã hủy dự toán thì rất khó để trình Quốc hội. Vì thế, để tháo gỡ vướng mắc thì có 2 phương án. Phương án thứ nhất là khoản dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023, hiện còn một khoản chưa tiêu hết có thể đáp ứng đủ 2.510 tỷ đồng. Nhưng khoản này nằm trong dự toán ngân sách năm 2023, không phải năm 2024. Do đó, muốn sử dụng thì thì cần phải trình Quốc hội cho phép chuyển 2.510 tỷ dự phòng ngân sách năm 2023 sang năm 2024 để chi tiêu trong năm 2024.
Phương án thứ hai là cho phép bố trí nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024, về tiêu chí có vẻ không đúng với Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), nhưng trong trường hợp cấp bách, có thể xem xét bố trí thêm. Như vậy, có thể có nguồn đáp ứng nhu cầu bố trí vốn cho nhiệm vụ này trong năm 2024. Ông mong muốn nghị quyết của Quốc hội nêu rõ đề nghị bổ sung dự toán năm 2024 một khoản 2.510 tỷ đồng.
"Theo quy định của Luật NSNN, mọi khoản chi phải có dự toán, nếu chưa có thì phải bổ sung vào năm 2024. Và nguồn tương ứng có thể đáp ứng yêu cầu này là từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương", ông lý giải.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận đây là việc "chưa có tiền lệ" và đề nghị bổ sung, điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, rà soát nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của năm nay, nếu còn thì có thể bổ sung thêm vào phần dự phòng chưa phân bổ của kế hoạch đầu tư công năm 2024. "Nếu nguồn này còn thì có thể xin phép Quốc hội cho bổ sung thêm vào danh mục để có nguồn vốn triển khai thực hiện", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Lý giải nguyên nhân Chính phủ và các bộ, ngành chưa có tờ trình về việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, là do các bộ, ngành chưa tham mưu được cho Chính phủ lấy từ nguồn nào và cần phải thực hiện đúng theo quy trình. Từ đó, ông đề nghị UBTVQH cho phép Chính phủ có thêm thời gian hoàn thiện tờ trình, rà soát và cân nhắc lại nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 hoặc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024.
Bắt giam "cò" cùng cán bộ làm công tác bồi thường Dự án sân bay Long Thành Kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian dự án thu hồi đất, tái định cư sân bay Long Thành Vì sao Chính phủ đề xuất giảm tổng mức đầu tư và đất thu hồi Dự án sân bay Long Thành? Loại 6 nhà thầu chậm tiến độ xây trường học tại khu tái định cư Dự án Sân bay Long Thành