Long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

21:42 19/08/2023

Tối 19/8, tại TP Long Xuyên (An Giang), Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người con ưu tú của quê hương An Giang giàu truyền thống yêu nước, người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm.

Cùng dự, có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết; Trương Tấn Sang; Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các vị nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, dân tộc; đại diện thân tộc cố  Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nhân dân tỉnh An Giang.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, tại Cù lao Ông Hổ, thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình trung nông. Lúc thiếu thời, Bác Tôn theo học nho học, học chữ quốc ngữ và học trường sơ cấp tiểu học Đông Dương tại Long Xuyên. Học xong tiểu học, Bác Tôn rời An Giang đi học làm thợ ở trường Bá Nghệ Sài Gòn và trở thành người công nhân thợ máy.

Với tinh thần dân tộc, tận mắt chứng kiến giai cấp công nhân bị chế độ thực dân áp bức, bóc lột, với lòng yêu nước cháy bổng bầu nhiệt huyết cách mạng, Bác Tôn trực tiếp tổ chức, lãnh đạo và tham gia cuộc bãi công ở xưởng Ba Son; bãi khóa của học sinh trường Bá Nghệ vào năm 1912 gây chấn động cho giới cầm quyền thực dân, tạo ảnh hưởng lớn trong tầng lớp công nhân. Năm 1916, Bác Tôn bị bắt đi lính làm thợ cho hải quân Pháp ở quân cảng Tu-long. Ngày 20/4/1919, trên chiến hạm Frăn-xơ ở Biển Đen, người thợ máy Tôn Đức Thắng thực hiện hành động phi thường, kéo cờ đỏ phản chiến, ủng hộ Cách mạng tháng 10 Nga và biểu thị tình đoàn kết với những người bạn Nga Xô Viết.

Sau cuộc binh biến bên bờ Hắc Hải, Bác Tôn bị trục xuất về nước. Nhưng với kinh nghiệm từ phong trào công nhân, công đoàn Pháp, Bác Tôn đã thành lập Công hội bí mật, tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân nước ta. Bác Tôn lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, điển hình là cuộc bãi công ở Ba Son, đánh dấu bước phát triển mới về tính tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. 

Khi tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” được thành lập ở Quảng Châu – Trung Quốc, Bác Tôn gia nhập tổ chức này tại Sài Gòn và nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh lân cận. Kể từ đây, tư tưởng, tình cảm của Bác Tôn được soi sáng bởi Chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng.

Cuối năm 1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo. Với bao cực hình tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân, nhưng Bác Tôn vẫn giữ trọn khí tiết, vững niềm tin vào con đường cách mạng. Cũng chính nơi “địa ngục trần gian” này, người chiến sĩ Tôn Đức Thắng cùng với những chiến sĩ kiên trung khác “biến nhà tù thành trường học cộng sản”; Bác Tôn tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám thành công, từ lao tù trở về, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được phân công tham gia Xứ ủy Nam Bộ và sau đó được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều trọng trách…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang.

Với 92 tuổi đời, 70 năm hoạt động cách mạng, cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng có công lao to lớn đối với cách mạng Việt Nam, với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Bác Tôn được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng; Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô tặng Huân chương Lênin; Ủy ban Giải thưởng quốc tế trao tặng Giải “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”; và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng, tinh thần anh dũng, bất khuất, đức tính khiêm tốn, giản dị, tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.

Đồng chí Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang khẳng định, tự hào với vùng đất đã sinh ra người con bình dị mà vô cùng cao quý, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang luôn khắc ghi lời chỉ dạy của Bác Tôn lúc về thăm quê hương đã căn dặn: “Các đồng chí Phải đoàn kết, phấn đấu trở thành một tỉnh giàu mạnh, nhân dân ấm no, ai cũng được học hành như Bác Hồ mong muốn".

Trải qua hơn 93 năm từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân An Giang kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Bác Tôn, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn ấy, chúng ta càng thêm kính trọng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang nguyện đoàn kết một lòng, ra sức học tập, công tác, nêu cao ý chí tự lực tự cường, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng thế mạnh, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trần Lĩnh

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Đội tuyển Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Nhiệm vụ của ông Kim Sang-sik và ban huấn luyện không chỉ xây dựng đội hình mà còn phải tìm ra một đội trưởng mới.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文