Luật hoá việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân.
Sáng 14/3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban) tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Dự án do Bộ Quốc phòng chủ trì, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra.
Tại phiên họp, đại diện Ban soạn thảo đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, nêu rõ Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Luật ra đời còn nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các công trình quốc phòng, khu quân sự và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và cho rằng công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, của nhân dân mà nòng cốt là lực lượng Quân đội. Việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh trước đó có bổ sung nội dung về quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết.
Tại phiên họp, các đại biểu dự họp đã phát biểu nhiều ý kiến đóng góp cho dự án Luật. Các ý kiến đều thống nhất, cho rằng việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự hiện nay là hết sức cần thiết; nội dung của dự thảo Luật cơ bản đầy đủ, phù hợp, mang tính thực tiễn và lâu dài…; đồng thời phát biểu nhiều nội dung cụ thể liên quan đến dự án Luật.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu các cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, khách quan hồ sơ dự thảo Luật, nhất là đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực của Luật để từ đó đề ra các chính sách phù hợp, hiệu quả khi triển khai; tiếp tục rà soát các văn bản quy định chi tiết giao Chính phủ để tránh bỏ sót các nội dung; cố gắng công khai, luật hóa các vấn đề không liên quan đến yếu tố bí mật; nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng một số nội dung của Luật, nhất là vấn đề liên quan đến tác động về giới để bảo đảm đầy đủ hồ sơ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, cần rà soát, nghiên cứu kỹ, đối chiếu với các luật đã và chuẩn bị thông qua, bảo đảm tương thích, không trái Hiến pháp, không mâu thuẫn với các luật khác, nhất là các nội dung bổ sung, sửa đổi…