Luật Tư pháp người chưa thành niên: Nhân văn nhưng không được dễ dãi

10:46 21/06/2024

Sáng 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Tư pháp người chưa thành niên. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị luật cần đảm bảo tính nhân văn, tạo điều kiện cho người phạm tội sửa chữa lỗi lầm, song mặt khác phải có tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc, không quá dễ dãi sẽ làm hỏng nhân cách người chưa thành niên.

Cấm tiếp xúc hay hạn chế khung giờ đi lại có khả thi?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc xây dựng một hệ thống pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành nhiên là phù hợp xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, trước xu hướng tội phạm trẻ hoá như hiện nay, nên cân nhắc cẩn trọng để khi luật được ban hành, vừa đảm bảo tính nhân văn và tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm, nhưng vẫn phải có tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc.

"Như chúng ta đã thấy, rất nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên phạm tội mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động xã hội. Trước thực tế như vậy mà pháp luật không có những biện pháp, hình phạt phù hợp, nghiêm khắc, đảm bảo tính công bằng thì sẽ khiến nhân dân bức xúc, mất niềm tin, thậm chí dẫn tới tình trạng nhiều đối tượng thanh niên lợi dụng chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn họ thực hiện những hành vi phạm tội. Điều này rất đáng lo ngại", đại biểu phân tích.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến tại phiên thảo luận.

Về Điều 36 dự thảo luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, nữ đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ tính khả thi của 3 biện pháp: "Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới", "Hạn chế khung giờ đi lại" và "Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới". "Những biện pháp này nghe thì rất hợp lý nhưng thực tế để đi vào thực hiện hiệu quả vô cùng khó khăn. Chúng ta không thể có nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào của những người chưa thành niên, trong khi các biện pháp này thời gian áp dụng ít nhất là 3 tháng cho tới 1 năm", bà lo ngại.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp chuyển hướng tại Điều 53 dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên quy định chỉ Toà án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, bởi đây là những biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân; Toà án cũng là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành bản án để xác định người nào đã phạm tội gì, thuộc điều khoản nào, với lỗi vô ý hay cố ý, thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng để có căn cứ xác định có thuộc trường hợp được áp dụng xử lý chuyển hướng hay không.

"Mặt khác, dường như chúng ta mới chỉ xem xét vấn đề này trên phương diện bảo vệ người phạm tội là người chưa thành niên mà quên mất một đối tượng rất cần được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc đó là người bị hại", ĐBQH tỉnh Hải Dương lưu ý và cho rằng, nếu quy trình tố tụng mới chỉ đi tới Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã được các cơ quan ra quyết định chuyển hướng xử lý bằng các biện pháp nhẹ nhàng hơn rất nhiều thì liệu có thực sự bảo đảm công bằng, tâm phục khẩu phục?

Người chưa thành niên mua bán người chỉ "xin lỗi là xong" thì bất công

Theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), bên cạnh việc xử lý có tính hướng thiện, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm, thể hiện tinh thần nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội thì nhiệm vụ của luật này còn phải bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân, nhất là nạn nhân là người chưa thành niên.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại phiên thảo luận.

"Quan điểm chỉ đạo này rất quan trọng, bởi nếu chúng ta quá chú trọng đến việc bảo đảm lợi ích của người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không công bằng với nạn nhân là người chưa thành niên, với lợi ích chung của toàn xã hội", đại biểu nói và dẫn lời một chuyên gia về pháp luật hình sự tại Hội thảo do Toà án nhân dân tối cao tổ chức: các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải mang tính nhân đạo, tuy nhiên không được thể hiện sự dễ dãi. Bởi nếu quá dễ dãi sẽ làm hỏng nhân cách khi người chưa thành niên đến tuổi trưởng thành.

Đối với các biện pháp xử lý chuyển hướng, ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị cân nhắc không xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng về tội "Mua bán người" (Điều 150) và tội "Mua bán người dưới 16 tuổi" (Điều 151) của Bộ luật hình sự (BLHS), bởi những lý do: BLHS hiện hành không cho phép xử lý chuyển hướng đối với một số tội danh trong đó có 2 tội danh này; BLHS hiện hành cũng xác định tội phạm mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi là tội phạm được thực hiện một cách cố ý.

Cấu thành cơ bản của tội "Mua bán người" phải bao gồm đủ cả hành vi, mục đích và thủ đoạn phạm tội, trong đó hành vi như chuyển giao hoặc tiếp nhận người; mục đích như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc lấy bộ phận cơ thể người; thủ đoạn như dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt. Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội mua bán người cho dù tham gia với tư cách đồng phạm, giữ vai trò thứ yếu thì đều phải có hành vi, mục đích, thủ đoạn như trên và thực hiện tội phạm với mức độ nguy hiểm lớn cho xã hội, cho thấy đây là tội phạm rất nghiêm trọng.

Trong dự thảo luật quy định biện pháp chuyển hướng "Xin lỗi" hoặc "Đưa vào trường giáo dưỡng". Bà cho rằng, trường hợp này, nếu người chưa thành niên phạm tội được xử lý chuyển hướng bằng biện pháp xin lỗi là xong thì sẽ bất công với người bị hại, không bảo đảm tính giáo dục cho người phạm tội.

Thêm vào đó, kỳ họp này Quốc hội đồng thời cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), thể hiện quan điểm xử lý nghiêm đối với tội phạm mua bán người. "Và qua khảo sát thực tế cho thấy tội phạm này coi con người là hàng hóa, thường có tổ chức và đem lại siêu lợi nhuận. Rất nhiều nạn nhân trong số đó là trẻ em, thậm chí trẻ sơ sinh. Nhiều nạn nhân bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc bị lấy bộ phận cơ thể đã để lại hậu quả dai dẳng và đau đớn suốt cuộc đời đứa trẻ và gia đình đứa trẻ" - ĐBQH Mai Thị Phương Hoa lý giải và băn khoăn, nếu nương nhẹ cho người chưa thành niên phạm các tội này thì thời gian tới có khả năng các đối tượng chủ mưu sẽ tăng cường sử dụng trẻ em vào việc phạm tội...

Quỳnh Vinh

Greenland có thể trở thành một quốc gia độc lập nếu người dân muốn, nhưng không thể trở thành một tiểu bang của Mỹ, Ngoại trưởng Đan Mạch nhấn mạnh sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo gần Bắc Cực này.

Thành công của thể thao Việt Nam trong thời gian qua nhờ sự đóng góp của các VĐV nhập tịch hoàn toàn gốc nước ngoài và VĐV gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài hoặc đã về Việt Nam làm việc có thể sẽ thúc đẩy thêm cách chọn lựa nhân sự của nhiều đội tuyển quốc gia. Dù thế nào thì hệ thống đào tạo trẻ trong nước vẫn cần được giữ vững, xem trọng.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文