Lý giải nguyên nhân giá bất động sản tăng và phương án tuyển sinh lớp 10
Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá bất động sản để trục lợi; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm.
Chiều 7/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024. Dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng
3 nguyên nhân khiến bất động sản tăng cao
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc giá nhà đất ở thành phố lớn đang rất cao, có dấu hiệu ảo cho dù thị trường chưa thực sự sôi động, giải pháp nào để đưa bất động sản về đúng giá trị, tránh bong bóng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá bất động sản cao, đột biến thời gian qua, bao gồm: do nguồn cầu lớn hơn nguồn cung quá nhiều; thị trường bất động sản có tình trạng đẩy giá, thổi giá. “Điển hình, thời gần đây báo chí cũng đã phản ánh tình trạng một số địa phương ở Hà Nội tổ chức đấu giá đất, bị người mua đẩy giá đất cao lên rồi bỏ cọc” – Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết và nêu nguyên nhân thứ 3 dẫn đến giá nhà đất cao là do chi phí đầu tư, đầu vào của bất động sản bị tăng cao, từ chi phí đầu tư xây dựng, sử dụng đất.
Để giải quyết 3 nguyên nhân trên, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết, về xử lý hành vi thao túng thị trường, thổi giá, Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Cạnh tranh, Luật Đất đai, và đặc biệt Luật Kinh doanh bất động sản 2023… đã có quy định rất rõ ràng. Cụ thể, theo Luật Kinh doanh bất động sản, cấm hành vi thao túng thị trường, đẩy giá, thổi giá trong kinh doanh bất động sản, như tại Điều 8, trong đó bao gồm việc giả mạo tài liệu, có ý làm sai lệch thông tin (nhằm tăng giá trị của bất động sản không minh bạch); không công khai thông tin về bất động sản; gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh BĐS làm nhiễu loạn thị trường…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, để kịp thời chấn chỉnh hiện trạng đấu giá quyền sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 82 chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Bộ Xây dựng đã có Văn bản về việc "phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, đất ở và ổn định thị trường bất động sản" gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, ban hành Văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản gửi UBND các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp, cũng như kiến nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, là phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ tại công điện của Thủ tướng. Đồng thời, địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có). Bộ Xây dựng cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất… nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, nhằm cân bằng cung cầu tại một số thành phố lớn, đặc biệt như tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố phải thường xuyên tổ chức công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản, các chương trình, kế hoạch phát triển khu đô thị, nhà ở, các dự án bất động sản được phê duyệt…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng, điều này nhằm đáp ứng điều kiện huy động vốn theo quy định pháp luật, nhằm đảm bảo minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý”, nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua. Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thuế phù hợp, nhằm hạn chế tình trạng nhà, đất đã được mua, bán, nhưng bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Dự kiến ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới
Trả lời về môn thi vào lớp 10 PTTH, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết thời gian qua, kỳ thi vào lớp 10 do các địa phương chủ động về số môn, thời lượng, đề thi. “Bộ nhận thấy đa số tỉnh, thành chọn thi ba môn, khoảng 3-4 nơi thi hai môn. Thời gian thi từng môn cũng không giống nhau, có nơi 120 phút, nơi 60-90 phút. Lãnh đạo Bộ cho rằng việc tổ chức không đồng nhất, "trăm hoa đua nở" tạo ra bất cập trong việc kiểm tra, đánh giá việc dạy và học. Vì vậy, Bộ dự kiến ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới, nhằm đưa ra một số tiêu chí khung cho cả nước” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.
Theo dự kiến, kỳ thi vào lớp 10 công lập diễn ra với ba môn, gồm Toán và Ngữ văn, cùng môn thứ ba - nằm trong những môn được đánh giá bằng điểm số (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học).
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, phương thức chọn môn thứ ba "được quan tâm nhất" vì nếu để địa phương tự chọn, việc này có thể ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, gây ra nhiều hệ lụy. Nhưng nếu chọn một môn cố định, bộ lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch. Như thế, học sinh không được chuẩn bị đầy đủ phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của chương trình mới. "Bộ đang nghiên cứu các hình thức để chọn môn thứ ba, có thể năm nay thi môn xã hội, năm sau thi tự nhiên, sau nữa môn khác, hoặc có thể rút thăm và đang lấy ý kiến về những phương án này" – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu đồng thời cho biết phương án thi lớp 10 được xây dựng trên ba nguyên tắc cốt lõi, nếu làm tốt, kỳ thi diễn ra thuận lợi hơn cho các Sở, tránh rủi ro trong quá trình thi.
Một là không gây áp lực, tốn kém, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và xã hội. Hai là hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới về phẩm chất, năng lực học sinh. Ba là phương thức tuyển sinh phải gắn kết được với quá trình kiểm tra, đánh giá trên lớp. Điều này nghĩa là môn nào nằm trong chương trình, được đánh giá, cho điểm, thì hoàn toàn có thể được sử dụng để kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giữa tháng 10, dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT sẽ được công khai để lấy ý kiến người dân, rồi ban hành vào tháng 11. Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Vì vậy, định hướng đề, nội dung và số lượng môn thi được phụ huynh và thí sinh quan tâm. Cuối tháng 9, Bộ lấy ý kiến của các Sở, nhà trường về phương án tuyển sinh lớp 10. Theo đó, kỳ thi có thể diễn ra với ba môn, gồm Toán, Văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên. Môn này được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.