Mô hình văn phòng công chứng tư nhân chỉ 1 người tiềm ẩn bất trắc

15:00 13/08/2024

Công chứng là một dịch vụ công, lẽ ra Nhà nước làm toàn bộ, vì bản chất của dịch vụ công là phải đảm bảo tính liên tục, tính bền vững và tính chịu trách nhiệm, văn phòng công chứng tư nhân chỉ có 1 người thì có các bất trắc.

Ngày 13/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo các vấn đề lớn của dự án luật.

Báo cáo các vấn đề lớn của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có 5 nhóm vấn đề lớn đã được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, bao gồm: các loại giao dịch phải công chứng; công chứng bản dịch (sửa đổi khoản 1 điều 2 của Luật Công chứng hiện hành); nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên (điều 16); công chứng điện tử (mục 3 Chương V); trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, có 2 nhóm vấn đề lớn các cơ quan còn có ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (điều 20) và về cơ sở dữ liệu công chứng (điều 63).

Về loại hình tổ chức hành nghề công chứng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến trong Thường trực Uỷ ban đề nghị bổ sung vào dự thảo luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Bởi vì, việc bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng.

Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam  Đậu Anh Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, nên mở rộng mô hình của văn phòng công chứng với tư cách là một thành viên hợp danh hoặc dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, bởi vì, trong thời gian vừa qua, việc bắt buộc hợp danh phải có 2 thành viên trở lên khiến cho rất nhiều địa bàn kinh tế khó khăn, quy mô thị trường bé dẫn đến rất tốn kém và ảnh hưởng đến quyền, đến các hoạt động giao dịch ở đó. Thực tế thời gian vừa qua, những văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên là tương đối nhiều chứ không phải ít. Cho nên việc tối ưu hóa hoạt động của một tổ chức hành nghề công chứng cần tính toán dựa trên bối cảnh và nếu đặt điều kiện quá cao chắc chắn tiếp tục sẽ có tình trạng một số vùng, miền, địa phương thời gian tới gặp khó khăn.

Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện đề nghị, nên duy trì quy định tổ chức hành nghề công chứng gồm có phòng công chứng và văn phòng công chứng dưới hình thức là tổ chức hợp danh.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Luật Công chứng năm 2006 đã quy định 2 loại mô hình văn phòng công chứng nhưng sau đó đến 2014 lại phải điều chỉnh lại chỉ còn 1 hình thức hợp danh. “Điều này xuất phát từ chủ thuyết dịch vụ công chứng là một dịch vụ công, lẽ ra là Nhà nước làm toàn bộ, vì bản chất của dịch vụ công là phải đảm bảo tính liên tục, tính bền vững và tính chịu trách nhiệm. Bây giờ văn phòng công chứng tư nhân chỉ có 1 người thì có các bất trắc, 1 người thì chỉ cần ốm đau, chết, trái gió trở trời và với hệ quả pháp lý của việc chứng nhận những tài sản như vậy thì sẽ không đúng với bản chất của dịch vụ công là phải liên tục và trách nhiệm” – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói và cho rằng, vì đã thử mở rộng một lần rồi nhưng thấy không ổn thì mới chỉnh lại vào năm 2014; đề nghị Thường vụ Quốc hội Quốc hội là tiếp tục cho quan điểm 1 loại hình.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn chứng, vào thời điểm năm 2014, lấy số tròn là khoảng trên 1.300 công chứng viên và khoảng 600 tổ chức hành nghề công chứng. Bây giờ, số lượng công chứng viên là khoảng 3.400 và tổ chức hành nghề khoảng 1.400. Nếu chia đôi thì số lượng là 2 người trở lên là đủ, thậm chí là 2,5 người, thực tế là đáp ứng được.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị tiếp tục cho quan điểm 1 loại hình văn phòng công chứng.

Hơn nữa, nếu như cho tự do thoải mái thì số lượng các tổ chức hành nghề công chứng, kể cả tư nhân tăng lên gấp đôi, thậm chí hơn. Như thế sẽ là vấn đề về quản lý, đặc biệt là trong bối cảnh bây giờ.

Chính vì thế, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết,  Chính phủ vẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tốt nhất chỉ đưa ra 1 phương án như Chính phủ trình, quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng là công ty hợp danh.

Phương Thuỷ

Việc tìm kiếm người mất tích tại 2 điểm sạt lở đất gây thương vong lớn tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông và khu Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc vẫn đang được gấp rút thực hiện với 350 người trực tiếp tham gia, trong đó có hơn 100 CBCS công an.

Trưa 12/9, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tại các khoa điều trị, những người dân vô cùng may mắn đã sống sót sau cơn lũ dữ ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai đang được điều trị tích cực. Nỗi bàng hoàng, đau đớn vẫn vương trên những gương mặt thất thần…

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 12h30 ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão khiến 327 người chết, mất tích (199 người chết, 128 người mất tích), 807 người bị thương.

Để đưa thi thể nạn nhân về huyện Nguyên Bình bàn giao an toàn cho gia đình, CBCS Công an huyện Bảo Lạc phải trực tiếp đi bộ hơn 20km, khiêng thi thể vượt qua nhiều tuyến đường nguy hiểm, do quãng đường di chuyển từ Bảo Lạc sang Nguyên Bình đang bị ách tắc nghiêm trọng vì đất đá sạt lở và mưa lũ.

Chiều 12/9, tại Hà Nội, Cục Truyền thông CAND tổ chức Lễ phát động ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tham dự buổi lễ có các đồng chí trong Đảng uỷ, lãnh đạo Cục Truyền thông CAND, đại diện lãnh đạo Báo CAND, Truyền hình CAND, Nhà xuất bản CAND, các phòng chức năng và CBCS, nhân viên Cục Truyền thông CAND.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文