Một số vấn đề pháp lý hướng đến bảo vệ lợi ích của người lao động
Ngày 12/1, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng có yếu tố lao động trong các quan hệ dân sự và thương mại”. Đây là dịp để chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng cơ quan chức năng nhà nước và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận từ đó đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy định chưa phù hợp nhằm sớm hoàn chỉnh các bộ luật hướng đến bảo vệ lợi ích của người lao động trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quan hệ lao động xuất hiện thêm nhiều yếu tố mới.
“Những yếu tố mới trong quan hệ lao động hiện nay có sự đan xen chung giữa quan hệ dân sự, lao động, thương mại, kinh tế hay cụ thể hơn là sự đan xen giữa pháp luật lao động, dân sự và thương mại”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Bộ luật Lao động năm 2019 ra đời cùng với Luật Doanh nghiệp năm 2020, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã giải quyết nhiều vấn đề để thực thi những cam kết quốc tế. Hơn nữa, khi trở thành thành viên các hiệp định, Việt Nam phải nội địa hóa yêu cầu của các hiệp định đó. Tuy nhiên, vấn đề là pháp luật Việt Nam chưa kịp điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa được chính xác để đáp ứng trước yêu cầu mới.
Do đó rất cần dữ liệu từ luận chứng thực tiễn, khoa học nghiên cứu những vấn đề đó để nhận diện rõ hơn các vấn đề như: Hợp đồng lao động, người làm việc không có quan hệ lao động tại doanh nghiệp, bản chất pháp lý hợp đồng giữa tài xế xe ôm công nghệ và thông tin nền tảng; phân biệt giữa hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ; một số vấn đề pháp lý về vấn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động có yếu tố dân sự theo pháp luật Việt Nam hiện hành…
Theo nhiều đại biểu, Bộ luật Lao động năm 2019 và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cần sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng để có thể dễ dàng xác định đâu là hợp đồng lao động, có sự phân loại với những tiêu chí rõ ràng về nhà thầu độc lập, nhà thầu phụ thuộc...
Tiến sĩ Nguyễn Bình An, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Bình Dương chia sẻ thêm về nhận diện người làm việc không có quan hệ lao động tại doanh nghiệp trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới và một số gợi mở hoàn thiện pháp luật Việt Nam; đồng thời làm rõ các tiêu chí nhận diện người lao động và “người làm việc không có quan hệ lao động” trong pháp luật của một số quốc gia trên thế giới và của Việt Nam với một số điều khoản liên quan được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.
Từ sự phức tạp của các quan hệ lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có những quy định mới điều chỉnh đối với người làm việc không có quan hệ lao động. Một số quan hệ xã hội có yếu tố lao động theo các dự án hoặc công việc cụ thể, làm việc trực tuyến hoặc làm việc theo hình thức liên kết với doanh nghiệp công nghệ số có xu hướng gia tăng, kéo theo đó là những vấn đề pháp lý phức tạp phát sinh, có sự đan xen giữa pháp luật lao động, pháp luật dân sự và pháp luật thương mại. “Vì vậy, việc nhận diện các vấn đề pháp lý có yếu tố lao động hiện nay là rất cần thiết cả khía cạnh lý luận và thực tiễn”, Tiến sĩ Nguyễn Bình An nhấn mạnh.
Xuất phát từ những phân tích về hợp đồng có yếu tố lao động đến định nghĩa về tranh chấp hợp đồng lao động, Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra II, Tòa án nhân dân Tối cao chỉ ra một số vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu về thẩm quyền, cách thức để Tòa án, Hội đồng trọng tài giải quyết khi phát sinh tranh chấp, làm rõ vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố lao động tại Tòa án.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tiến sĩ Nguyễn Hải An đưa ra một số quan điểm về vấn đề hợp đồng ủy quyền phát sinh mà điển hình là xe ôm công nghệ; đề xuất điều chỉnh pháp luật đối với mối quan hệ giữa tài xế công nghệ và công ty nền tảng…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu bàn về tính chất lao động trong một số hợp đồng được giao kết trong bối cảnh kinh tế số; kinh nghiệm của Pháp trong việc xác định quyền kiểm tra, điều hành, giám sát đối với hợp đồng có yếu tố lao động; giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố lao động tại Tòa án cũng như nội dung về quyền tự do giao kết hợp đồng lao động theo pháp luật Việt Nam hiện nay...