Năm nhóm giải pháp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
Tại Hội thảo văn hóa 2024 chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT)" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại Quảng Ninh ngày 12/5, các đại biểu đã đề xuất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền 5 nhóm giải pháp.
Tổng kết hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cho biết, ý kiến tham luận, thảo luận của đại biểu rất trách nhiệm, sâu sắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn cao; nội dung trao đổi toàn diện các vấn đề liên quan đến chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế VHTT.
Các ý kiến khẳng định, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT; từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; tạo hành lang pháp lý cho thiết chế VHTT được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Quy hoạch mạng lưới cơ sở VHTT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Hệ thống thiết chế VHTT được đầu tư, phát triển, hình thành mạng lưới từ trung ương tới cơ sở. Các thiết chế VHTT ngoài công lập từng bước được đầu tư xây dựng. Mô hình quản lý các thiết chế VHTT khá đa dạng. Ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng thiết chế VHTT chủ yếu thông qua các chương trình bổ sung có mục tiêu, các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các thiết chế VHTT thực hiện theo quy định và đạt được một số kết quả tích cực.
Hội thảo cũng nêu rõ những vướng mắc, bất cập trong phát triển hệ thống thiết chế VHTT, đồng thời thảo luận và thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế VHTT. Các giải pháp tập trung 5 nhóm, cụ thể:
Về hoàn thiện thể chế, chính sách: Xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế VHTT đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi. Rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm “thiết chế VHTT”, “cơ sở VHTT” làm cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và thuận tiện trong việc xây dựng, tích hợp quy hoạch mạng lưới thiết chế VHTT trong cả nước.
Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế VHTT, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở VHTT để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
Về quy hoạch thiết chế VHTT: Hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; bố trí quỹ đất cho các thiết chế VHTT tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm xây dựng, phát triển thiết chế VHTT cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi. Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về phát triển thiết chế VHTT vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến thiết chế VHTT.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động tiêu biểu, phù hợp với vùng miền, đối tượng, lứa tuổi. Xây dựng chính sách ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công nói chung và tài sản công ở thiết chế VHTT nói riêng.
Ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế VHTT nói riêng. Thúc đẩy hoạt động liên kết trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư. Coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; huy động nguồn lực tham gia xây dựng thiết chế VHTT cơ sở.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống. Thực hiện quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định, sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng kết đầy đủ về nội dung hội thảo và các kiến nghị gửi tới Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan.
Trình bày báo cáo trung tâm tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chỉ ra nhiều điểm nghẽn về phát triển thiết chế VHTT, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Cụ thể, các cơ sở nghệ thuật biểu diễn chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, phần lớn xuống cấp, lạc hậu và hư hỏng, chưa đáp ứng nhu cầu làm việc, tập luyện và biểu diễn. Về quỹ đất sử dụng, 10/12 cơ sở chưa đạt theo quy định. Phương tiện ô tô chuyên chở nghệ sĩ, diễn viên và các thiết bị sân khấu, đạo cụ đã quá niên hạn sử dụng. Chất lượng nhạc cụ cho việc tập luyện và biểu diễn còn thiếu, số được trang bị đã cũ và hỏng; đặc biệt, nhạc cụ cho loại hình nghệ thuật hàn lâm còn thiếu và chưa đạt chuẩn quốc tế.
Nguồn nhân lực trong nghệ thuật biểu diễn rất đáng báo động. việc thiếu nguồn nhân lực sáng tạo ở một số loại hình nghệ thuật dẫn đến một số đơn vị nghệ thuật thiếu kịch bản hay, mới, có chất lượng để dàn dựng và biểu diễn.
Sự thiếu hụt này ảnh hưởng lớn đến chất lượng, số lượng tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật ở một số loại hình trong giai đoạn hiện nay. Đội ngũ làm công tác lý luận phê bình nghệ thuật ở các đơn vị hiện nay hầu như không có. Vì vậy, chức năng lý luận, phê bình và định hướng cho ngành nói chung, cho đơn vị nói riêng đang là vấn đề cần quan tâm để bổ sung. Phòng Nghệ thuật trong các đơn vị nghệ thuật trung ương hiện gồm các thành viên hoạt động kiêm nhiệm nên chưa phát huy vai trò trong định hướng sáng tác, thẩm định, đánh giá chất lượng về nội dung, hình thức thể hiện tác phẩm, dẫn đến chưa đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện kế hoạch hoạt động ngắn hạn và dài hạn.
Phần lớn lực lượng nghệ sĩ, diễn viên biển diễn nghệ thuật truyền thống hiện nay có trình độ trung cấp. Các đơn vị nghệ thuật đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng. Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập còn tồn tại những bất cập bởi nhiều đơn vị chưa đảm bảo cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các đơn vị việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, không đạt tỷ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc chuyên môn, nghiệp vụ biểu diễn nghệ thuật của đơn vị.
Báo cáo trung tâm do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày còn chỉ ra nhiều khó khăn trong phát huy thư viện quốc gia, hệ thống bảo tàng, Viện phim Việt Nam, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý và thiết chế VHTT cơ sở.