Ngành Y tế cần tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế

12:01 09/01/2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Y tế trong thời gian tới tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.

Sáng 9/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2023, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (8/9 chỉ tiêu).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị.  

Trong năm, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, giảm bớt thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tháo gỡ dần từng bước các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vaccine, cơ chế tài chính, BHYT.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, năm 2023, dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác tiếp tục được kiểm soát tốt; tập trung cùng chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng,…), các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…).

Tuy nhiên, ngành Y tế trong năm qua còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật đã được tích cực xây dựng, từng bước hoàn thiện nhưng còn chưa đầy đủ; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế; nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…

Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra, thậm chí có nơi còn có vi phạm; công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế; việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu; công tác đào tạo nhân lực ngành y tế còn những vấn đề về việc bảo đảm chất lượng; một số dự án vẫn còn kéo dài… Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới đối với ngành y tế còn rất nặng nề.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2023, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao.

Qua nghe báo cáo và các ý kiến tham luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ ấn tượng về những thành tựu của ngành y tế trong những năm qua. Nổi bật là y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hữu hiệu để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Đặc biệt, 100% đơn vị thuộc Bộ Y tế thành lập Tổ chuyển đổi số. 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip. 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. 100% hồ sơ công việc của Bộ Y tế được thực hiện, quản lý trên môi trường điện tử. 100% (161/161) thủ tục hành chính đủ điều kiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Phó Thủ tướng cho rằng, ngành y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Số lượt khám chữa bệnh tăng cao sau dịch COVID-19 gây quá tải ở nhiều cơ sở y tế, làm gia tăng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, y tế... Nhiều bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi ra ngoài viện mua thuốc, vật tư trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên tại các cơ sở y tế khu vực công lập.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đó là nguồn lực toàn xã hội đầu tư cho ngày y tế còn hạn chế, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao. Năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu. Còn có khoảng cách về chất lượng dịch vụ y tế giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giữa dịch vụ công và dịch vụ tư.

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế chưa đạt yêu cầu. Ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc chưa mạnh. Công tác đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng nhu cầu. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra cục bộ.

Trong năm 2024, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế tập trung đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 3 bệnh viện thuộc Bộ Y tế. 

Tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.

Tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh. Tăng cường khả năng phân tích, dự báo và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân.

Mở rộng độ bao phủ BHYT tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nghiên cứu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế...

Tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, nhất là phương thức đối tác công - tư, đẩy mạnh tự chủ tại các cơ sở y tế công lập và phát triển y tế tư nhân.

Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ Y tế tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 3 tập thể thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.

Trần Hằng

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文