Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

07:11 03/01/2023

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

I - Tình hình

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực. Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, phát triển văn hoá, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng lên. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng, tạo chuyển biến khá tích cực. Phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường. Thành quả phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. (Ảnh minh họa: CTV)

Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.  Những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Thành phố. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế, yếu kém.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý thức trách nhiệm, vì lợi ích chung của một số cấp uỷ, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên của Thành phố chưa cao; chưa tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Thành phố. Một số ban, bộ, ngành Trung ương chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho Thành phố, dẫn đến một số chủ trương thực hiện chậm hoặc chưa đầy đủ, nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ, giải quyết.

II - Quan điểm và mục tiêu

1. Quan điểm

- Xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố với phương châm: "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh".

- Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững.

Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan toả, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố đoàn kết, gương mẫu, trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; phát huy dân chủ, đồng thuận xã hội, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, nghĩa tình của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố.

2. Mục tiêu và tầm nhìn

- Mục tiêu đến năm 2030: Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

- Tầm nhìn đến năm 2045: Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

III - Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

1. Tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực

- Cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Quy hoạch, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của Thành phố, phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái; xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá. Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tập trung xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ phát triển đồng bộ các thị trường; thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ số trong các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế chất lượng cao... Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

- Phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế; hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố; hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, tổ chức lại các mô hình hợp tác xã kiểu mới; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng một số doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu.

- Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI. Phát huy vai trò động lực, dẫn dắt của đầu tư công, kết hợp khơi thông nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức tài chính quốc tế. Thực hiện có hiệu quả hợp tác công - tư trong huy động nguồn vốn xã hội và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, dịch vụ. Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển.

- Sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, với hạt nhân là Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, các viện nghiên cứu, trường đại học. Phát triển mạnh thị trường khoa học - công nghệ; có cơ chế, chính sách vượt trội thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế; thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tại Thành phố.

- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đạt trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên.

2. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

- Nâng cao chất lượng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo không gian và động lực phát triển mới, ổn định, lâu dài cho Thành phố, trọng tâm là lập Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; thực hiện đồng bộ các quy hoạch: Quy hoạch phát triển không gian ngầm, không gian xanh, không gian sông nước, không gian văn hoá, đặc biệt là khu vực trung tâm Thành phố, các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga Metro theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch kiến trúc. Thực thi quy hoạch tích hợp ngành gắn với phương thức tạo quỹ đất, tài chính đô thị, phát triển giao thông, chính sách nhà ở, quản lý tài nguyên nước và chống ngập nước.

- Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển hài hoà giữa nông thôn và đô thị. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; kết hợp đồng bộ giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị với phát triển đô thị mới, bảo đảm kiến trúc hài hoà, giữ gìn và phát huy các yếu tố văn hoá đặc trưng; tổ chức lại đời sống dân cư nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống trong quá trình cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo nhà ở ven kênh rạch, chung cư cũ. Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; sử dụng có hiệu quả quỹ đất sau di dời để ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

- Phát triển ngành xây dựng, thiết kế, thi công với công nghệ hiện đại, phát triển vật liệu mới, năng lượng xanh, tái tạo, thân thiện môi trường. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, xử lý rác thải, nước thải. Đẩy mạnh phát triển mảng xanh đô thị. Đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước, thoát nước, chống ngập, xử lý chất thải; quản lý nghiêm việc khai thác, sử dụng nước ngầm; củng cố hệ thống đê ven biển, cống ngăn triều, công trình thuỷ lợi ven sông phục vụ kiểm soát lũ, giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước và bảo đảm an ninh nguồn nước; bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

- Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố bảo đảm tổng thể, đồng bộ và hiện đại; trong đó, chú trọng phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP). Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, phát triển, khai thác hiệu quả mạng đường sắt đô thị, luồng tàu đường biển, đường sông, bảo đảm kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

- Chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của Thành phố trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực, địa phương trong cả nước.

- Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.

3. Phát triển mạnh mẽ văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với Thành phố mang tên Lãnh tụ Hồ Chí Minh

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng con người trong giai đoạn mới; xây dựng Thành phố thành trung tâm lớn về văn hoá, có sức lan toả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả nước. Coi trọng chỉnh trang không gian, công trình văn hoá bảo đảm giữ gìn Thành phố xanh, sạch, đẹp; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá, thể thao đồng bộ, ngang tầm đô thị lớn. Phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ văn hoá, thể thao và sản phẩm du lịch mang tầm quốc tế; đầu tư trọng tâm, trọng điểm hoạt động văn hoá, thể thao thành tích cao cùng với phát triển sâu rộng phong trào văn hoá, thể dục, thể thao quần chúng.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng Thành phố thành trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế, thích ứng với quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập. Ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khoẻ khu vực ASEAN. Bảo đảm số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; chủ động ứng phó hiệu quả các loại dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm". Quyết tâm xây dựng việc làm bền vững, quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ. Thực hiện đồng bộ chính sách chăm lo người có công, nâng cao đời sống gia đình chính sách; nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững, nâng mức chuẩn nghèo của Thành phố cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người dân và cư dân nông thôn; tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân và người lao động nghèo.

4. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế

- Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bố trí thế chiến lược khu vực phòng thủ, bảo đảm hợp thành thế trận liên hoàn, vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp với quy hoạch tổng thể của thế trận phòng thủ quốc gia; tập trung xây dựng tiềm lực chính trị - kinh tế - quốc phòng, an ninh vững mạnh. Tăng cường lãnh đạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng quân đội, công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nghiên cứu quy hoạch phát triển một số ngành và cơ sở công nghiệp có tính lưỡng dụng, sản xuất trang thiết bị hiện đại phục vụ huấn luyện và chiến đấu; đẩy mạnh công tác động viên công nghiệp sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

- Chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hoá âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng; sẵn sàng phương án ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống, đấu tranh, trấn áp, kéo giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, kinh tế, môi trường, ma tuý, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao bảo đảm an ninh, an toàn cho mọi tầng lớp Nhân dân và khách du lịch đến Thành phố.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; chủ động nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới; củng cố các mối quan hệ truyền thống, mở rộng hợp tác với các thành phố trên thế giới; tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển.

Kinh tế TP Hồ Chí Minh tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế. Ảnh: Hồng Giang

5. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

- Tăng cường, kiên quyết, kiên trì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị về mọi mặt; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp; xây dựng tổ chức cơ sở đảng phù hợp với mô hình đô thị; chú trọng công tác phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc và kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

- Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ, chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Chăm lo quy hoạch, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ kế thừa; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân. Tăng cường sự phối hợp giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của Nhân dân. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát quyền lực; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tạo chuyển biến căn bản về cải thiện môi trường đầu tư, đưa Thành phố trở lại nhóm dẫn đầu các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

- Đổi mới, nâng cao nhận thức và hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc. Tập trung giải quyết những vụ việc, khiếu nại, khiếu kiện tồn đọng, phức tạp kéo dài; chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đúng đắn, kịp thời nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận, thống nhất, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng và chế độ.

6. Ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới

Trên cơ sở tổng kết, tiến hành bổ sung, sửa đổi, sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Thành phố Hồ Chí Minh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững:

- Thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hoá và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Thí điểm chính sách mang tính đột phá để Thành phố chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách Thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo, tạo điều kiện để Thành phố có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.

- Xây dựng cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hoá trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thể thao; nâng cao hiệu quả các loại hình liên kết đầu tư trong các lĩnh vực này. Áp dụng thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và khoa học - công nghệ.

- Cho thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục.

- Tiến hành sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thành phố tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định việc giao một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật, thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức trong phạm vi địa bàn thành phố Thủ Đức; quyết định tổ chức bộ máy trực thuộc thành phố Thủ Đức, vị trí việc làm, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.

IV- Tổ chức thực hiện

1. Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, xác định các nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể, gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố. Tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và Nhân dân nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thành phố, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống cách mạng, anh hùng, đi đầu đổi mới, năng động, sáng tạo.

Chỉ đạo chính quyền Thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trình Quốc hội sớm nhất.

2. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng cơ chế để cụ thể hoá thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị; xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị; sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát thực hiện Nghị quyết mới.

3. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo:

- Ban hành Chương trình hành động tổ chức thực hiện Nghị quyết; Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm; định kỳ hằng năm và khi cần thiết làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Thành phố. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo quy hoạch cấp quốc gia và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

- Chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Thành phố hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội; ban hành Nghị định của Chính phủ cụ thể hoá tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; phối hợp với Thành phố tổ chức triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội; thực hiện phân cấp, phân quyền cho Thành phố trên một số lĩnh vực theo Chương trình hành động của Chính phủ; đề xuất nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về đô thị đặc biệt và sửa đổi các luật, nghị định liên quan.

4. Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thường xuyên quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết.

5. Các Tỉnh uỷ, Thành uỷ trong cả nước, đặc biệt là các Tỉnh uỷ, Thành uỷ vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tăng cường mối quan hệ liên kết, hợp tác phát triển với Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan hướng dẫn tuyên truyền và quán triệt thực hiện Nghị quyết.

7. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết; phối hợp với Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Các nguồn thạo tin ngày 24/12 cho hay, thời gian gần đây, Nga đã tiến hành nhiều đợt phản công lớn tại Kursk. Cường độ các cuộc tấn công cho thấy quyết tâm của Tổng thống Vladimỉr Putin nhằm loại bỏ con bài mặc cả của Ukraine trong bối cảnh sức ép đàm phán gia tăng trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2025.

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, với một kịch bản tiêu cực cho Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột này.

Tối 23/12, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) cho biết, Tổ công tác của đơn vị làm nhiệm vụ tại Km188 (Khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) vừa kịp thời dùng ô tô đặc chủng đưa 1 cháu bé đi cấp cứu.

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文