Nghiên cứu xây dựng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội
Sáng 26/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khai mạc Hội nghị lần thứ 12 để xem xét, thảo luận 5 nội dung quan trọng. Trong đó, các đại biểu sẽ góp ý về một số định hướng lớn như xây dựng sân bay thứ hai; TP phía Bắc, phía Tây thuộc Thủ đô.
Nghiên cứu, đóng góp ý kiến nhiều định hướng lớn của Thủ đô
Cụ thể 5 nội dung bao gồm: Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về dự thảo luật Thủ đô sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII; điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của BCH.
Về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), Bí thư Thành ủy nêu rõ, lần lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này là rất cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc nghiên cứu điều chỉnh thời hạn của Đồ án quy hoạch là “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” để thống nhất với Khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009; đồng thời cho ý kiến về định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các TP phía Bắc, phía Tây của Thủ đô; nghiên cứu định hướng các trục không gian của TP; định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam TP...
Về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Bí thư Thành ủy, trong 1 năm qua, công tác tổ chức triển khai lập quy hoạch này được Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện khá bài bản, công phu, bảo đảm các bước theo quy trình và quy định của Luật Quy hoạch; đã tổ chức học tập kinh nghiệm lập quy hoạch tại một số cơ quan, địa phương; tổ chức tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, là những người có uy tín, chuyên môn cao, đặc biệt là rất có tâm huyết đối với sự nghiệp hoạch định, tổ chức phát triển Thủ đô trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, văn hóa, tổ chức không gian; đặc biệt đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp thành phố với chủ đề: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Vì vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia đóng góp cụ thể vào dự thảo Đề cương với một số nội dung, như: Sự phù hợp, đồng bộ của Dự thảo Đề cương với các chiến lược, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội, đề nghị tập trung cho ý kiến về các tiềm năng, lợi thế phát triển của Thủ đô, đặc biệt là phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô... Đối với nội dung chính trong Quy hoạch Thủ đô, đồng chí đề nghị các đại biểu bàn kỹ, bàn sâu về nguyên tắc, tư tưởng, triết lý lập quy hoạch; quan điểm phát triển Thủ đô; 3 phương án kịch bản phát triển và mục tiêu phát triển Thủ đô; 3 khâu đột phá (về thể chế, về phát triển hạ tầng, về nhân lực); 2 vùng động lực phát triển Thủ đô (tại khu vực thành phố Bắc sông Hồng và tại khu vực thành phố phía Tây)...
Trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi vào tháng 5/2024
Đối với Báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.
Để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), ngày 2/3, Thường trực Thành ủy và Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư Pháp để thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; trong đó đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP trong thời gian chờ Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ động triển khai nghiên cứu, tổ chức soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để kịp tiến độ tiến hành các bước tiếp thu, hoàn thiện, thẩm định, thẩm tra theo quy định.
Để các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô trong dài hạn, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu với kinh nghiệm thực tiễn từ cơ quan, đơn vị, địa phương, lĩnh vực quản lý của mình đưa ra những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết; góp ý trực tiếp vào các cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi; tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong thời gian tới.
Trong đó cần bàn kỹ, bàn sâu và thể hiện rõ quan điểm đối với 12 vấn đề Ban Cán sự đảng UBND TP trình xin ý kiến; đồng thời, tiếp tục tham gia, đóng góp các ý kiến cụ thể về những cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho TP trong việc giải quyết các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế trong phát triển Thủ đô trong thời gian qua; nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách tài chính - ngân sách, đất đai, đầu tư, cơ chế xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô; cơ chế thu hút nguồn lực xã hội; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; việc quy hoạch, thu phí, cho thuê lòng đường, vỉa hè...