Nhận diện từ sớm, từ xa những nút thắt để tạo đột phá về thể chế

12:19 06/09/2023

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng như bám sát thực tiễn, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an phát hiện, nhận diện từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát những bất cập, nút thắt của thể chế để đề xuất và kịp thời giải quyết những khó khăn, tạo đột phá về xây dựng thể chế.

Bộ Công an đảm đương một khối lượng công việc xây dựng pháp luật rất lớn

Trình bày tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, sáng 6/9, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Bộ Công an thực hiện 17 nhiệm vụ xây dựng pháp luật, trong đó 15 luật và 2 nghị quyết.

Hai nghị quyết không hề có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhưng được bổ sung xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn là Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Các nghị quyết này hiện đang được triển khai, đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trình bày tham luận tại hội nghị.

Từ đầu nhiệm kỳ khoá XV cho đến Kỳ họp thứ 5, Bộ Công an đã thực hiện 6 nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Ngoài 2 nghị quyết nêu trên, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động và 3 luật sửa đổi, bổ sung, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

"Chúng tôi thấy rằng, đây là lần đầu tiên trong các kỳ họp ở các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây, Bộ Công an đảm đương một khối lượng công việc xây dựng pháp luật rất lớn. Ngay tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Bộ Công an đã trình Quốc hội xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung 5 luật - lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội, một đơn vị chủ trì soạn thảo đề nghị xây dựng và sửa đổi, bổ sung 5 luật trong một kỳ họp, lượng công việc rất lớn", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhận định.

Theo đồng chí Thứ trưởng, để triển khai thi hành các luật, nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua, khối lượng công việc rất lớn, thời gian rất gấp, có những luật từ khi Quốc hội thông qua đến thời điểm thi hành, có hiệu lực chỉ 45 ngày như Luật sửa đổi về xuất nhập cảnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. Do đó, Bộ Công an đã tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành các văn bản dưới luật có hiệu lực đúng ngày luật có hiệu lực; tham mưu đồng bộ 17 văn bản quy định chi tiết (gồm 1 nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 5 nghị quyết của Chính phủ, 11 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an) và nhiều thông tư khác...

Toàn cảnh hội trường.

Đến nay chỉ còn một nghị định đang tiếp tục những khâu cuối cùng. Như vậy, đối với các luật và nghị quyết được thông qua, Bộ Công an làm rất kịp thời, đồng bộ với hiệu lực của luật, chấm dứt tình trạng "trễ hẹn" trước đây.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chia sẻ, quá trình thực hiện những công việc nêu trên Bộ Công an cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, toàn bộ văn bản quy định chi tiết thi hành dưới luật có một số nội dung mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi có tính toán, xây dựng rất khoa học, phù hợp với tình hình và yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại của đất nước. Tất cả văn bản liên quan công tác Công an phải có sự thể chế hoá xuyên suốt, thống nhất với Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 "Đây cũng là vấn đề rất khó, vì Nghị quyết số 12 điều chỉnh một vấn đề rất lớn, quyết tâm xây dựng lực lượng CAND, ưu tiên một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại vào  năm 2025 và đưa toàn lực lượng CAND tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2030. Nên công tác xây dựng thể chế pháp luật cũng phải gắn với những nội hàm điều chỉnh của nghị quyết. Do đó, Bộ Công an phải rà soát xuyên suốt, đồng bộ nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng để đảm bảo tính thống nhất...", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng lý giải.

Xây dựng luật là xây dựng luôn các văn bản dưới luật

Qua hơn một nửa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an rút ra những bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, công tác xây dựng pháp luật đòi hỏi đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ đảng - đây là nguyên tắc bất di bất dịch.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Quán triệt xuyên suốt nguyên tắc này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng uỷ Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ANTT đến năm 2026, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 đề án riêng về công tác xây dựng pháp luật: Đề án hoàn thiện pháp luật phục vụ xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Đề án xây dựng lực lượng pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hai đề án này được phê duyệt giúp Bộ Công an có thêm nguồn lực để làm tốt hơn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến ANTT.

"Thứ hai, trong quá trình xây dựng, chuẩn bị các hồ sơ, dự án luật trình các cấp, bao giờ cũng theo một nguyên tắc bắt buộc là các văn bản dưới luật phải được soạn thảo kèm theo, từ nghị quyết, nghị định cho đến các thông tư, văn bản hướng dẫn. Bắt tay vào xây dựng luật là bắt tay vào xây dựng luôn các văn bản dưới luật, do đó vừa có điều kiện rà soát, thống nhất xuyên suốt, đồng bộ, vừa bảo đảm về mặt thời gian, khi luật có hiệu lực thì các văn bản dưới luật cũng đã được trình, hạn chế tối đa việc trễ hẹn...", đồng chí Thứ trưởng nêu kinh nghiệm.

Thứ ba, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng như thực tiễn, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an phát hiện, nhận diện từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát những bất cập, nút thắt của thể chế để đề xuất đột phá và kịp thời giải quyết những khó khăn, tạo đột phá về xây dựng thể chế - một trong 3 đột phá mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Toàn cảnh hội trường.

Ví dụ, hai luật về xuất nhập cảnh dù không có trong chương trình song Bộ Công an thấy thực tiễn rất cần thiết phải sửa đổi nên đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội đồng ý ngay và quyết tâm đưa vào kỳ họp sớm nhất của Quốc hội, đã thông qua trong một kỳ họp - đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, đối ngoại của đất nước. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thấy rõ sự cần thiết, bổ sung vào chương trình Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ...

Thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV còn lại của Bộ Công an là 11 nhiệm vụ, hết sức nặng nề trong khi chỉ còn mấy kỳ họp; khối lượng công việc lớn trong khi thời gian ngắn, rất cấp bách, nhưng Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, các công việc phải được thực hiện khẩn trương.

Trước mắt, từ nay tới Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023, Bộ Công an sẽ trình Quốc hội 3 dự án luật quan trọng: Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT  ở cơ sở (hai dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 6) và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cùng với Bộ Giao thông sẽ trình Luật Đường bộ (luật này đã thực hiện bảo đảm đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hiện đang tiếp tục tập trung thực hiện xuyên suốt các kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh tờ trình, dự thảo luật, kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bộ Công an sẽ phối hợp Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan tổ chức các hội thảo, toạ đàm để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia...; tập trung tuyên truyền các dự án luật, làm rõ những nội dung lớn, quan trọng của 3 dự án luật này, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi trình Quốc hội.

Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan đã quan tâm, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Công an hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay, đồng thời xin hứa sẽ tiếp tục hoàn thiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng nội dung đã đề ra.

Quỳnh Vinh

“Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp cho thấy sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương với Pháp", Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Để hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản và những điểm mới mà dự thảo luật đề cập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác PCCC và CNCH hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an.

Tại các địa phương trong cả nước không tồn tại các cơ sở băm gỗ dăm trái phép thì ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các cơ sở băm gỗ dăm trái phép mọc lên như nấm sau mưa, trong đó Nghệ An chiếm số lượng lớn nhất và “công khai” nhất. Ai đã đứng sau “chống lưng” cho các cơ sở này hay chính quyền và các cơ quan chức năng bất lực?

Sau một thời gian tạm lắng, chiêu lừa thông qua “tặng quà tri ân” gần đây lại rộ trở lại theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Các đối tượng giả mạo nhân viên các sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị và một số thương hiệu để gọi điện thoại thông báo và gửi quà tặng quà tri ân miễn phí. Sau đó, từng bước tiếp cận và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thông qua hình thức làm nhiệm vụ online.

Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Theo đó, nhiều “nút thắt” trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ.

Theo dự báo, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ hôm nay có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文