Nhiều giải pháp để tăng lương nhưng không tăng giá
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định, với những giải pháp chủ động của Chính phủ và các bộ, ngành, người dân và thị trường đã thích ứng và không bị tác động nhiều về tâm lý tăng giá khi tăng lương.
Từ ngày 1/7, lương tối thiểu sẽ tăng thêm 30%. Đây là thông tin vui đối với người lao động nhưng cũng kéo theo nỗi lo mặt bằng giá cả sẽ tăng kiểu "té nước theo mưa". Thực tế bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7%, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm…
Có nhiều ý kiến lo ngại mức tăng CPI 4,03% là khá cao và phát cảnh báo sớm khi dự báo có nhiều yếu tố có thể đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian tới. Đặc biệt, trong nửa cuối năm, Nhà nước sẽ điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và thực hiện cải cách tiền lương. Những yếu tố này sẽ đẩy mặt bằng giá cả tăng cao, gây lo ngại lương chưa tăng, giá đã tăng. Các chuyên gia đều nhận định, việc thực hiện cải cách tiền lương của khu vực công theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW và tăng lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp từ ngày 1/7/2024 có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên.
Chia sẻ quan điểm này với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, xưa nay hay xảy ra tình trạng lương chưa tăng, giá đã tăng, dẫn đến việc tăng lương nhưng không tạo tác động, lợi ích thực chất cho các đối tượng hưởng lương. "Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, thị trường cũng như người dân đã thích ứng, không bị tác động đến tâm lý nhiều khi thực hiện tăng lương. Thực tế cho thấy nhiều lần tăng lương cũng không tăng giá", ông Chi đánh giá và cho biết, đứng ở góc độ điều hành, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cũng hết sức chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để mang tính chủ động, để tăng lương nhưng không ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến tăng giá. Về các giải pháp để điều hành giá trong nửa cuối năm, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, tại phiên họp Ban Chỉ đạo giá mới đây, Bộ Tài chính đã xem xét bối cảnh, chủ động đưa ra dự báo, tính toán cập nhật một số kịch bản lạm phát và tập trung vào nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát cuối năm. Theo đó, Cục sẽ chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời. Bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5%, đúng mục tiêu nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới và trong nước để đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, kịp thời, tinh thần phải kiểm soát được trong mức giới hạn Quốc hội cho phép là 4,5%; đảm bảo thông suốt việc cung ứng và lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng là rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1/7 tới, Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, "thành thói quen", làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương; phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống…