Nhiều quy định mới nhân văn, tiến bộ trong Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

07:01 20/10/2024

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ VIII tới đây. Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã thể hiện rõ tính ưu việt, tính nhân văn, tiến bộ trong bảo vệ quyền con người so với pháp luật hiện hành cũng như đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an - đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Phóng viên (PV): Những lý do cần thiết để xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là gì, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Qua hơn 12 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập và đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật này với các lý do cụ thể như sau:

Thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người tại Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế. Do được thông qua từ năm 2011 nên Luật Phòng, chống mua bán người có một số quy định không bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Bên cạnh đó, quy định về mua bán người, nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay chưa hoàn toàn tương thích với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người còn nhằm phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới. Thực tiễn thi hành các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về căn cứ xác định nạn nhân, chế độ hỗ trợ nạn nhân, việc hỗ trợ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân…

Từ những lý do nêu trên có thể khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan.

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 65 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 55 điều, xây dựng mới 10 điều, bỏ 2 điều. Các nội dung sửa đổi lớn trong dự thảo Luật cụ thể như sau:

Bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân.

Cán bộ Công an cơ sở tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người tại các tỉnh biên giới.

Bổ sung chế định đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung các quy định để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, các luật liên quan và thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua như: Bổ sung một số quyền, nghĩa vụ của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; bổ sung quy định về bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; người thân thích của họ; hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống mua bán người; hoàn thiện quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người…

PV: Sửa đổi, bổ sung khái niệm “mua bán người” là một trong những nội dung mới rất quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này. Cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung khái niệm này như thế nào để phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế hiện hành, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật quy định “Mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác. Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.”.

Như tôi đã nói ở trên, bổ sung khái niệm “mua bán người” là một trong những nội dung mới rất quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này. Quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rà soát kỹ lưỡng, với nhiều lượt lấy ý kiến của các cơ quan chuyên trách, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để nội luật hóa đầy đủ các quy định của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, cụ thể là Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Theo đó, khái niệm mua bán người đã kết hợp đủ 3 yếu tố (hành vi, mục đích, thủ đoạn). Cách thiết kế này thể hiện những hành vi, mục đích và thủ đoạn đặc trưng nhất của mua bán người.

Đặc biệt, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật mở rộng hơn một số nội dung so với Bộ luật Hình sự và pháp luật hiện hành sẽ làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự nhằm xử lý hiệu quả hơn loại tội phạm này và nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người. Cùng với việc mở rộng khái niệm “mua bán người” thì các biện pháp xử lý khác cũng sẽ được xem xét áp dụng bên cạnh biện pháp xử lý hình sự. Đồng thời để bảo đảm tính nghiêm minh và tăng cường công tác phòng ngừa, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật còn có nội dung rộng hơn quy định của một số điều ước quốc tế, như: Bổ sung mục đích vô nhân đạo khác, thủ đoạn khác.

PV: Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định nâng cao chế độ hỗ trợ nạn nhân của mua bán người. Đồng chí cho biết những quy định mới cùng ý nghĩa của việc bổ sung các quy định này?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Đối với nạn nhân, dự thảo Luật đã bổ sung và nâng cao chế độ hỗ trợ cho đối tượng này để phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế của đất nước: Hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân không có khả năng chi trả mới được hỗ trợ); được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe khi tiếp nhận; trong thời gian lưu trú tại Cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà họ bị ốm, bị thương tích thì được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh; chưa có bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân mới được hỗ trợ); mở rộng đối tượng được hỗ trợ để ổn định tâm lý đối với trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân mới được hỗ trợ); mở rộng đối tượng và nội dung được trợ giúp pháp lý; mở rộng đối tượng khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được hỗ trợ); mở rộng đối tượng nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được hỗ trợ); được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Luật hiện hành không quy định nạn nhân được hỗ trợ chế độ này). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bảo đảm phân cấp, phân quyền cụ thể cho các cơ quan chức năng.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng nâng cao chế độ hỗ trợ nạn nhân nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian tới, thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán; cụ thể hóa nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm an sinh xã hội cho nạn nhân sẽ góp phần ổn định xã hội.

PV: Ở Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành không có quy định về người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Tại dự thảo Luật lần này, cơ quan soạn thảo đã lấp khoảng trống pháp lý trong hỗ trợ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của các vụ mua bán người…

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Đúng vậy! Thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong những năm qua, một trong những vướng mắc lớn là khi những người có dấu hiệu bị mua bán đến trình báo với các cơ quan chức năng về việc bị mua bán, khi các cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết thực tiễn đã hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cơ bản (ăn, ở, mặc, đi lại, phiên dịch…) cho họ, tuy nhiên, chưa có quy định chi cho việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho đối tượng này mà chỉ khi họ được xác định là nạn nhân thì mới được hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu nêu trên. Như vậy, pháp luật đang có khoảng trống về việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho đối tượng này. Do vậy, cần bổ sung chế định này trong Luật, tạo cơ sở pháp lý để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Với nguyên tắc lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân làm trung tâm nên dự thảo Luật đã dành 1 chương quy định về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ; cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, dự thảo Luật đã quy định về chế độ hỗ trợ những nhu cầu thiết yếu, gồm: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu; hỗ trợ chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân.

PV: Thiếu tướng cho biết tiến độ hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đến thời điểm này?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Hiện nay, hồ sơ dự án Luật đã được trình Quốc hội để xem xét thông qua tại kỳ họp thứ VIII (dự kiến bắt đầu từ ngày 21/10/2024 đến ngày 30/11/2024). Các tài liệu trình Quốc hội được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng và đầy đủ theo đúng quy định; nội dung của dự thảo Luật không có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành.

Việc dự thảo Luật được Quốc hội thông qua sẽ là bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; đặc biệt kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hương (thực hiện)

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文