Nỗ lực chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội

17:18 22/11/2021

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, những nội dung dự kiến xem xét tại kỳ họp bất thường đều là nội dung khó, phức tạp nên đòi hỏi quyết tâm lớn, nỗ lực rất cao. Tinh thần là phải cố gắng vào cuộc tối đa, càng sớm càng tốt nhưng không để xảy ra sơ suất.

Chiều 22/11, tiếp tục Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, tổng kết Kỳ họp thứ 2, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội và chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Năm vấn đề dự kiến xem xét tại kỳ họp bất thường

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại văn bản số 94 ngày 13/11/2021, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ sớm trình hồ sơ 5 nội dung đã thống nhất để có cơ sở, xem xét, đề xuất việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối tháng 12/2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Đến nay, UBTVQH đã nhận hồ sơ tài liệu của 4 nội dung (gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Đề án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ). Còn thiếu hồ sơ tài liệu của Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, các Ủy ban: Kinh tế, Tài chính - Ngân sách đang phối hợp với các Ủy ban có liên quan để tiến hành thẩm tra. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các Ủy ban báo cáo sơ bộ về việc chuẩn bị các nội dung này. Trên cơ sở đó, UBTVQH xem xét, quyết định việc báo cáo Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường.

Về hình thức họp, đề nghị tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến cả kỳ. Việc biểu quyết thực hiện qua phần mềm cài đặt trên iPad. Theo dự kiến sẽ tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến tháng 12/2021 không còn nhiều. Các cơ quan phải tiến hành rất nhiều hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021. Do đó, nếu cả 5 nội dung trên đã được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong tháng 12/2021 và đủ điều kiện trình Quốc hội thì đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội cho tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2022.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp.

Dự kiến tổng thời gian kỳ họp khoảng 4,5 ngày. Trong đó, thời gian thảo luận: 3,5 ngày (tổ: 0,5 ngày/5 nội dung, trực tuyến: 3 ngày/5 nội dung); Phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, trình bày một số báo cáo và biểu quyết thông qua: 1 ngày. Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến 3 phương án tổ chức kỳ họp bất thường, dự kiến diễn ra ngày 4 hoặc 5/1/2022; đồng thời đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung kỳ họp để UBTVQH có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).

Về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến Quốc hội làm việc 18 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/5 (do ngày 20/5 là thứ sáu) và bế mạc vào ngày 15/6/2022. Trong đó, đề nghị không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy, chủ nhật để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thời gian nghiên cứu tài liệu, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua. Về hình thức họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tuy nhiên, dự phòng phương án họp trực tuyến nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với việc tổ chức kỳ họp bất thường - kỳ họp đầu tiên trong lịch sử Quốc hội để xem xét, quyết định 5 nội dung lớn nêu trên, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực của Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trong những quyết sách lớn của đất nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, kỳ họp này sẽ sử dụng đúng thuật ngữ kỳ họp bất thường như luật định, song cần nghiên cứu thêm để đánh số cho phù hợp.

Toàn cảnh phiên họp.

"Năm nội dung đều là nội dung khó, phức tạp, liên quan đến quốc kế dân sinh, tình hình tài chính, kinh tế vĩ mô, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch... nên đòi hỏi quyết tâm lớn, nỗ lực rất cao. Do đó, tinh thần là phải cố gắng vào cuộc tối đa, làm việc không kể ngày đêm, càng sớm càng tốt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng", Chủ tịch Quốc hội lưu ý, yêu cầu các cơ quan của Quốc hội vào cuộc với tinh thần khách quan, vô tư, công khai, minh bạch, đúng quy trình, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất. Về thời gian tổ chức cụ thể còn tùy thuộc vào công tác chuẩn bị tài liệu của Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Về Kỳ họp tháng 5/2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần vận dụng tối đa những ưu điểm đã có tại Kỳ họp thứ 2 và phải "làm hết tốc lực" để thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến...

Không đẩy vấn đề quá "nóng", cũng không nguội không khí chất vấn

Đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, UBTVQH đánh giá, Kỳ họp thứ 2 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, nhưng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, cùng với những kinh nghiệm quý báu trong công tác tổ chức của các kỳ họp trước, Quốc hội đã thống nhất tổ chức kỳ họp chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung, thể hiện tinh thần sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thảo luận tại phiên họp.

Sau 16 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian, làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, kỳ họp thứ 2 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn tuyệt đối, ngày càng đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Với phương châm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, thiết thực và thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh, tại kỳ họp này, một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến được áp dụng, bước đầu phát huy hiệu quả và được cử tri, nhân dân đánh giá cao, như việc chia tổ ĐBQH; việc biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị iPad; tổng hợp nhanh ý kiến thảo luận ở tổ, giải trình bước đầu các ý kiến thảo luận ở tổ trước khi thảo luận ở hội trường...

Việc các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra có báo cáo giải trình, tiếp thu bước đầu ngay sau phiên họp tổ đã giúp đại biểu có thêm thông tin để chuẩn bị ý kiến kỹ lưỡng hơn, góp phần hoàn thiện các dự án, dự thảo, hạn chế phát biểu trùng lắp tại hội trường. Số lượt phát biểu, tranh luận của đại biểu tại mỗi phiên họp nhiều hơn, nhất là tại tổ ĐBQH. Các ý kiến phát biểu thể hiện sự tâm huyết, có chiều sâu, trách nhiệm, tiêu biểu cho trí tuệ của cử tri, thiết thực trước các vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn Chủ tịch điều hành rất linh hoạt, khoa học, uyển chuyển, tạo được không khí sôi nổi, cởi mở nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc của phiên họp.

Kết quả kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ sự tâm huyết của các vị ĐBQH, người đại diện của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân giám sát chặt chẽ...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp.

Qua thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, kỳ họp rất ngắn nhưng đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, đạt chất lượng tốt. Việc bố trí nội dung kỳ họp khoa học, hợp lý; công tác tổng hợp nhanh, kịp thời, tạo điều kiện cho các cơ quan trình dự án được tiếp thu bước đầu, có giải trình, đỡ thảo luận lặp lại giữa tổ và hội trường.

"Công tác điều hành khoa học, đại biểu được phát biểu hết ý của mình, không bị quá gò ép. Kết luận các phiên họp đều ngắn gọn. Phiên chất vấn dân chủ, thẳng thắn, cầu thị, đại biểu hỏi rất gọn, đúng thời gian cho phép. Cử tri và đại biểu đánh giá cao công tác điều hành chất vấn của Chủ tịch Quốc hội, vừa hài hòa, linh hoạt, khéo léo gợi mở, không đẩy vấn đề quá "nóng" nhưng đồng thời không để nguội không khí chất vấn", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định.

Còn theo Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, qua tổng hợp ý kiến và dư luận khi tiếp xúc cử tri, điều hành của chủ tọa kỳ họp đảm bảo nguyên tắc, đúng chương trình nhưng linh hoạt, thể hiện tính nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp cao. Cử tri hoan hỉ cách điều hành của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đã tạo sự chia sẻ, gặp nhau giữa đại biểu và các Bộ trưởng, chứ không phải truy vấn đề đến cùng theo hướng đối trọng.

"Kỳ họp thứ 2 tuy ngắn nhưng nội dung phong phú, kết quả tốt đẹp. Dư luận đánh giá cao phiên chất vấn, tập trung vào 4 Bộ trưởng với 4 vấn đề lớn; số lượng ý kiến nhiều và tổng hợp rất nhanh. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rất cao nên các cơ quan chuẩn bị kỹ, cùng với đó là công tác phối hợp tốt giữa các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh chất lượng, ý thức trách nhiêm rất cao của từng ĐBQH, từng Đoàn ĐBQH trong việc góp phần vào thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ 2. "Điều đó khẳng định ĐBQH là trọng tâm trong hoạt động của Quốc hội. Suy cho cùng, đó là sự đồng tình ủng hộ, giám sát của cử tri và nhân dân. Để đạt tính đồng thuận phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng chứ không xuôi chiều. Có những việc cơ quan trình và cơ quan thẩm tra lúc đầu còn những ý kiến khác nhau nhưng phải lắng nghe nhau, tìm ra những điều đúng đắn", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Quỳnh Vinh

Sự ủng hộ ngày một lớn đến từ giới mộ điệu tiếp thêm niềm tin nơi HLV Kim Sang-sik. Lần đầu tiên trước giới truyền thông, ông nhắc đến 2 từ vô địch cùng ĐT Việt Nam!

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文