Phải minh bạch, tăng cường kết nối dữ liệu để phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại

11:28 17/01/2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Sáng 17/1, tại Hội trường Chính phủ đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức từ điểm cầu Chính phủ trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò quan trọng của hội nghị; đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung thời gian, trí tuệ đánh giá những kết quả trong năm 2023, tồn tại cũng như nguyên nhân và các giải pháp triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Thay mặt Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an báo cáo kết quả của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ trong năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024. Theo đó, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm; chủ động nhận diện, đấu tranh với các nhóm tội phạm chưa xuất hiện, ít xuất hiện, xuất hiện thường xuyên, có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, trong năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách Nhà nước 14.865,347 tỷ đồng (tăng 17,30% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05% so với cùng kỳ), 724 đối tượng (tăng 0,56% so với cùng kỳ).

Ban Chỉ đạo của Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc nắm chắc tình hình, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, xác định địa bàn, tuyến, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng giả như ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, thuốc lá, thuốc lá điện tử, vàng, ngoại tệ, xăng, dầu, khoáng sản, đường cát, thực phẩm, gia súc, gia cầm…; tổ chức đấu tranh, triệt phá tổ chức, đường dây, đối tượng phạm tội trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp trái phép, giao dịch ngoại hối trái phép.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, Nghệ An, Hải quan, Quản lý Thị trường, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng…đã tham luận, tập trung đánh giá kết quả cũng như phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024.  

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, Bộ Công an nhận diện rõ những nguyên nhân dẫn đến tội phạm, đã có những báo cáo đề xuất với Chính phủ, các ban, bộ, ngành chức năng triển khai chỉ đạo, xử lý. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, chúng ta đã có những chương trình, nghị quyết của Chính phủ về phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, hiện vẫn có bộ, ngành, địa phương chưa rà soát, triển khai hiệu quả.

Lấy ví dụ về công tác phòng, chống ma túy, quản lý, cai nghiện, tình trạng người nghiện ma túy, ngáo đá hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, đến nay, cơ bản 63 tỉnh, thành phố hiện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo. “Đây là kinh nghiệm cho thấy chúng ta phải rất quan tâm, bám sát đến những chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ trong phòng, chống tội phạm, từ đó chủ động triển khai những phương án, kế hoạch để thực hiện hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với từng bộ, ngành, địa phương cũng như ở từng cấp khác nhau”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tội phạm hiện nay và các biện pháp, giải pháp phòng ngừa. Thống kê sơ bộ, trong năm 2023, có gần 30% số đối tượng phạm tội do thất nghiệp, thiếu việc làm. Nhiều đối tượng cướp ngân hàng, thủ đoạn gây án manh động cũng xuất phát từ việc thiếu nợ, thiếu tiền do không có công ăn việc làm. Trước tình trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm đến công tác đảm bảo an sinh xã hội, lao động, việc làm, nhất là những người yếu thế trong xã hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu tại hội nghị.

Thông tin sơ bộ về những vụ thảm án ở địa phương liên quan đến người nghiện, ngáo đá, tâm thần, bên cạnh việc Bộ Công an chỉ đạo sát sao, hiệu quả lực lượng Công an các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần tăng cường quan tâm chú ý đến tình trạng này; tập trung phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quản lý, đưa người nghiện đi cai nghiện với các hình thức khác nhau cũng như quan tâm hơn, hiệu quả hơn trong các chính sách trong và sau cai đối với số đối tượng trên, đảm bảo họ tái hòa nhập cộng đồng, tránh xa ma túy, ngăn ngừa, phòng chống hiệu quả từ sớm, từ xa những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ án, mất ANTT …

Trước tình trạng tội phạm lợi dụng sim rác, những tài khoản trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chú ý giải quyết hiệu quả. Để ngăn chặn hiệu quả tội phạm tín dụng đen, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai hiệu quả những chính sách cho vay đối với những người yếu thế, cho vay phục vụ tiêu dùng, tăng cường kiểm soát đến từng cấp, tạo sinh kế cho người dân tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, giúp họ tránh xa tín dụng đen, có nguồn lực để phát triển kinh tế cá nhân, hộ gia đình.

Đề cập đến hàng chục nghìn cặp mâu thuẫn hiện nay đang tồn tại ở cấp cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm giải quyết, bởi đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến những vụ án…Từ 1/7, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị Chủ tịch UBND các cấp huy động lực lượng, tổ chức xã hội, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phân tích những nguy cơ tiềm ẩn về tình hình tội phạm có thể xảy ra trước, trong và sau Tết, cũng như khoảng 8000 lễ hội đầu xuân sẽ diễn ra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, rà soát, phòng ngừa hiệu quả những vi phạm về pháo, tội phạm các loại và tội phạm "tín dụng đen"; phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán an vui, hạnh phúc.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương những thành tích, kết quả của các bộ, ngành cũng như thành viên 2 Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã đạt được trong năm 2023. Phân tích sâu về những chỉ số, tỷ lệ trong các mặt công tác của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Công an cũng như các bộ, ngành trong triển khai hiệu quả phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy với nhiều chuyên án lớn xuyên quốc gia.

Đề cập đến công tác phòng, chống tội phạm, Phó Thủ tướng đồng tình với những phân tích, đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tình hình tội phạm nói chung và biện pháp phòng, chống tội phạm ma túy, tội phạm lợi dụng công nghệ cao để gây án, người nghiện, ngáo đá. Lo ngại về tình hình hoạt động của tội phạm ma túy, khai thác khoáng sản, môi trường, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.., Phó Thủ tướng khẳng định: Thực tế vi phạm trên các lĩnh vực này vẫn còn nhức nhối, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả hơn của các lực lượng, đơn vị chức năng.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đề cập đến nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong năm 2024, để thực hiện hiệu quả, theo Phó Thủ tướng, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2023 bởi sự ảnh hưởng chung của tình hình trong nước, khu vực và trên quốc tế. Phân tích những nguy cơ, khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống tội phạm, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng giả, gian lận thương mại với những yếu tố phi truyền thống đang phát triển, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên 2 Ban Chỉ đạo cần tập trung rà soát, điều chỉnh lại thể chế, chính sách, quy định, hành lang pháp luật, qua đó tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt là trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

“Không để xảy ra tình trạng “quyền anh, quyền tôi”. Trong lĩnh vực nào cũng vậy, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, thì rất khó đạt được hiệu quả khi triển khai, thậm chí thất bại”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý.

Bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy, quản lý người nghiện, sau cai nghiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nguồn cơn nảy sinh của rất nhiều loại tội phạm. Hiện những người nghiện sau cai tái nghiện rất cao, theo Phó Thủ tướng, trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành và địa phương và phải đẩy mạnh phòng ngừa kết hợp tăng cường tuyên truyền hạn chế lợi dụng, lôi kéo vi phạm pháp luật. Tiếp đó, rà soát và thay đổi cách tiếp cận để giải quyết hiệu quả những vi phạm với quyết tâm và trách nhiệm lớn hơn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý các lực lượng chức năng của 2 Ban Chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “phải biết giữ mình” trước những cám dỗ. Nêu rõ cuộc chiến phòng, chống tham nhũng chưa bao giờ dừng lại và không hề có ngoại lệ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Nếu các đồng chí không giữ mình, không giáo dục anh em thì hậu quả sẽ rất xấu. Vừa động viên, chia sẻ, gần gũi với cán bộ cấp dưới để làm tốt công tác phòng ngừa sai phạm nhưng đồng thời cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là phải triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ".

“Với Đề án 06, tôi và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc rất quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai nhưng không phải ai, bộ, ngành nào cũng muốn thực hiện bởi nhiều nguyên nhân. Thậm chí có người không muốn sự minh bạch, bởi minh bạch là mọi người đều biết. Có bộ, ngành không muốn chia sẻ dữ liệu. Rõ ràng, khi chúng ta phối hợp hiệu quả thì kết quả đem lại sẽ rất lớn. Cùng với đó, phải có cơ chế thu thập, xử lý thông tin kịp thời hiệu quả”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá.

Hoàng Phong

Ít ai ngờ, nữ cán bộ Công an với dáng người có phần mảnh khảnh ấy lại trực tiếp tham gia đấu tranh trên trăm vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn. Nữ cán bộ ấy chính là Thiếu tá Trần Tú Huy, Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra án kinh tế, tham nhũng, môi trường trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại và các lĩnh vực khác – Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi.

Câu chuyện về cuộc chia ly giữa huấn luyện viên Park Chung-gun và đội tuyển bắn súng Việt Nam đã tạo hiệu ứng dư luận không đáng có. Đây là lúc có hai việc cần làm rõ: Vì sao đôi bên không gia hạn hợp đồng, và đâu là nguyên nhân khiến câu chuyện bị đẩy ra xa?

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì cuộc họp Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng CAND, nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.

Chiều 26/9 tại Hà Nội, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tiếp Trưởng Đại diện Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương Masood Karimipour. Cùng dự có bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC Việt Nam.

Ít ngày nữa thôi, hơn 40 phạm nhân của Trại giam Thanh Lâm sẽ được trở về bên gia đình, người thân. Lớp học tái hoà nhập cộng đồng cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá đang học những ngày cuối cùng với các kỹ năng cần thiết để các phạm nhân đủ hành trang trở lại cộng đồng.

Chuyển đổi xanh đang trở thành “một cuộc đua” ở cấp độ toàn cầu. Những doanh nghiệp (DN) không thể thích ứng sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường xuất khẩu (XK). Do vậy, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng các chính sách để hỗ trợ DN thích nghi với cuộc chơi mới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文