Phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước khác

16:16 22/09/2022

Sáng ngày 22/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trước việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ, các nước châu Âu và các nước khác.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp về nội dung này. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Trước hết, tôi hoan nghênh và đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị khá kỹ và báo cáo rõ những vấn đề trọng tâm về điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Chính phủ thống nhất cao nội dung báo cáo và kiến nghị của các bộ, ngành. Do thời gian không có nhiều, tôi không nêu lại toàn bộ mà nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm sau:

1. Về bối cảnh tình hình

Hầu hết các nước trên thế giới đều có lạm phát tăng cao và tăng trưởng suy giảm (Hoa Kỳ, EU, Anh, các nước trong khu vực).

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều nước đã thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng, hạ lãi suất, đưa tiền mặt ra hỗ trợ người dân. Điều đó dẫn đến hệ lụy lạm phát tăng cao.

Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, các nước phải sử dụng công cụ lãi suất, thông qua tăng lãi suất để hút tiền về; đồng thời thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa.

Đêm qua, Hoa Kỳ vừa tăng lãi suất 0,75% (sau 2 lần tăng liên tiếp 0,75% trước đó) đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%. Nhiều quốc gia, đối tác lớn của ta đều tăng lãi suất (trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (EU) cũng đã tăng lãi suất 0,75%)…

Việc tăng lãi suất và thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa lại có nhiều tác động tiêu cực, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Đồng USD tăng giá dẫn đến sự giảm giá của các đồng tiền chủ chốt khác và tiềm ẩn rủi ro tiền tệ, tỉ giá ở nhiều quốc gia, khu vực.

Chỉ số đồng USD tăng mạnh nhất trong 38 năm qua: Tăng 19% so với cùng kỳ và 15% so với cuối năm 2021; nhiều đồng tiền phá giá ở mức báo động: đồng Euro giảm 11,8%, Bảng Anh giảm 15,5%, Yên Nhật giảm 24,3%, Nhân dân tệ giảm 10,2%...

2. Tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta

* Tình hình thế giới biến động mạnh có tác động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta, trong đó:

- Quy mô kinh tế còn khiêm tốn, độ mở của nền kinh tế cao (200% GDP), sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thực trạng này dẫn đến chỉ một biến động nhỏ của thế giới có thể gây tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước.

Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có xu hướng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước.

- Tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, giá trị tiền đồng Việt Nam. Điều hành tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao là một thách thức rất lớn để có thể thực hiện được mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

* Công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô nói riêng và phát triển KTXH nói chung sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, đối với các chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cần phải xem xét, tính toán, cân nhắc kỹ trên nhiều phương diện (cả tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài và bên trong).

3. Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo điều hành vĩ mô từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ thống nhất:

(1) Định hướng chỉ đạo điều hành: Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

(2) Phương châm chỉ đạo điều hành: Không mất bình tĩnh, hoang mang, dao động. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phải chủ động nắm tình hình, bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh để tỉnh táo xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, phù hợp, hiệu quả trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Càng áp lực cao, càng khó khăn thì càng phải nỗ lực, cố gắng, "biến nguy thành cơ"; xác định công việc trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên hợp lý, linh hoạt, hiệu quả.

(3) Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:

- Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các quan điểm chỉ đạo điều hành và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

 - Trong đó, tôi nhấn mạnh quan điểmChỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn theo hướng(1) Bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; (2) Giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, bất ngờ, khó lường; (3) Kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; (4) Kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng; (5) Tạo dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

4. Về định hướng chính sách vĩ mô

Chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; trong đó:

NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các công cụ tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát và thực hiện các mục tiêu đề ra. Lựa chọn phân bổ vốn tín dụng hợp lý, hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị để tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.

Đẩy mạnh và giảm thủ tục cho vay hỗ trợ lãi suất 2%; tăng cường thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ và ủng hộ các chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tiền tệ, tín dụng.

Chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; trong đó: 

Bộ Tài chính chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí theo thẩm quyền và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao. Tập trung đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác (nhằm đạt được mục tiêu vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng). 

Chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn về: tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin… 

Làm tốt công tác quy hoạch, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. 

Xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh và giải quyết những vấn đề tốn đọng (các ngân hàng thương mại yếu kém, dự án kém hiệu quả…)

5. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để tạo nền tảng vật chất cho ổn định kinh tế vĩ mô

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đẩy mạnh tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu về lúa gạo, trái cây, thủy sản với tinh thần làm đủ ăn và có xuất khẩu với chất lượng, hiệu quả cao. 

Bộ Công Thương chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; bảo đảm tuyệt đối an ninh nguồn cung và kiểm soát tốt giá năng lượng (điện, xăng dầu). Tinh thần là phải bảo đảm xuất đủ nhập và có thặng dư thương mại bền vững; thúc đẩy cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì đẩy mạnh phát triển thị trường lao động ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo đảm đủ lao động, không để thiếu hụt lao động làm gián đoạn sản xuất kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao. Tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau.

 Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTA và hội nhập; tăng cường ngoại giao kinh tế, tạo thế đan xen lợi ích.

Bộ Xây dựng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; có giải pháp phát triển thị trường BĐS lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

- Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí nắm chắc tình hình để thông tin tuyên truyền khách quan, trung thực, chính xác, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

6. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tiếp tục chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương.

- Thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…

- Đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thể chế, pháp luật; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

- Các đồng chí lưu ý: Đây chính là những yếu tố nền tảng để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững."

Theo Baochinhphu

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文