Phát động cao điểm 450 ngày đêm xoá nhà dột, nhà tạm cho người dân cả nước

21:09 05/10/2024

Quyết tâm chậm nhất tới 31/12/2025 sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên cả nước. Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động Chương trình hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” tổ chức tối 5/10 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.

Chương trình do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Tới dự lễ phát động có các đồng chí: Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Dự buổi lễ còn có nhiều lãnh đạo các Ban, bộ ngành Trung ương, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm….

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước chung tay hỗ trợ, ai có gì góp nấy.

Ai có gì giúp nấy

Chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi" được tổ chức với mong muốn huy động thêm nguồn lực ủng hộ từ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, các mạnh thường quân, các tầng lớp nhân dân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cùng đồng lòng, chung sức ủng hộ để hỗ trợ khoảng 150 nghìn hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở có thể xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Mục tiêu là để tất cả người dân có thể sống trong những ngôi nhà "3 cứng" - mái cứng, nền cứng và tường cứng. Đây là một khát vọng đẹp và đầy thách thức, chỉ có thể đạt được khi có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 820 nghìn hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo trong cả nước. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết cho 670 nghìn hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, huy động được nguồn lực lớn của nhà nước và nhân dân để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như tỉnh Điện Biên đã xóa 5.000 căn, Nghệ An đã xóa trên 5.600 căn, Cao Bằng đã xoá trên 3.600 căn. Các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp cùng tích cực tiên phong trong xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó nổi bật là các cơ quan như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, qua rà soát cả nước còn khoảng 400 ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng”, thiếu hụt về chất lượng.

"Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít" - đây là lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025. Phong trào hướng đến việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, kết hợp với nguồn lực từ Nhà nước, để thực hiện ba nhiệm vụ lớn: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình không thuộc hai nhóm trên.

Mái ấm cho đồng bào tôi

Qua rà soát của của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước còn hơn 153.000 nhà tạm, dột nát ở các mức độ khác nhau. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mục tiêu là trong năm 2025 phải hoàn thành 3 nhiệm vụ của chương trình gồm: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 ngàn căn), do ngân sách nhà nước bảo đảm; Hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88 ngàn căn nhà); Xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên. Theo thống kê của các địa phương, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỷ đồng.

Bộ trưởng Lương Tam Quang trao hỗ trợ ủng hộ xây dựng chương trình.

“Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía nhà nước, chúng ta cũng cần sự chung tay góp sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, lan tỏa rộng khắp trong xã hội. Để cuối cùng chúng ta đạt được mục tiêu cao cả và thiêng liêng là mái ấm cho đồng bào”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách về nhà ở, nhưng qua ra soát lại ở các địa phương vẫn còn mấy trăm nghìn hộ đang ở trong những nhà tạm, nhà dột nát, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới và hải đảo. Nhân dân ta có câu “An cư lạc nghiệp”. Đảng, Nhà nước có chủ trương không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

“Thực hiện đường lối của Đảng, ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ cùng với đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy  ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Chương trình đã được cả hệ thống chính trị, toàn dân, doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của nhân dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã đóng góp cho phong trào thi đua có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Các nhà hảo tâm chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ phát động

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát. Khối lượng công việc rất nhiều, do đó Thủ tướng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp hãy chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa trong việc chung tay xóa hết nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần “Ai có gì góp nấy, ai có của góp của, ai có công góp công, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” để mọi người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thời gian qua, ngành Công an đã nhiệt tình hưởng ứng và triển khai sâu rộng chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

Tại lễ phát động, nhiều bộ ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ người dân cả nước xoá nhà dột, nhà tạm. Người dân có thể ủng hộ qua đóng góp vào Quỹ vì người nghèo Trung ương, mỗi sự đóng góp sẽ giúp người nghèo sớm có mái ấm bình yên.

Phan Hoạt

Sau khi phát hiện gần 1 tấn thành phẩm và nguyên liệu tại cơ sở sản xuất chả Phạm Xu Tý (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) có chất hàn the, chiều tối 27/12, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (gọi tắt Phòng Cảnh sát kinh tế) Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với chủ cơ sở này.

Sau 5 tháng phát động, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024 đã thu hút được khá nhiều tác giả từ 18 đến 35 tuổi, mang đến những tiếng nói mới cho mỹ thuật đương đại. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Những người trẻ năng động đã nỗ lực tìm kiếm cho mình các hình thức nghệ thuật ở mọi chất liệu, kiểu dáng, chủ đề, cách thể hiện".

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (28/12), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và hầu hết phía Tây Bắc Bộ. Ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文