Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên
Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng...
Sáng 14/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, chức năng.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, được kết nối từ Trung ương đến các điểm cầu bộ, ban, ngành, cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện Bộ Công an dự, phát biểu tham luận tại hội nghị. Đây là hội nghị có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Tại điểm cầu Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí trong Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo các Cục nghiệp vụ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.
Dưới sự điều hành của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, tại hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.
Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo Kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại diện các bộ, ngành, địa phương gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc, các tỉnh trong vùng như Đắk Lắk, Gia Lai đã tham luận, làm rõ hơn những kết quả và phương hướng nhiệm vụ của đơn vị phụ trách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.
5 nhóm biện pháp đảm bảo ANTT vùng Tây Nguyên
Tại hội nghị, Thứ trưởng Lương Tam Quang trình bày tham luận với chủ đề “Đảm bảo an ninh chính trị, an ninh dân tộc, tôn giáo, góp phần ổn định phát triển kinh tế văn hóa xã hội và đối ngoại vùng Tây Nguyên” cho biết, những năm qua, dưới sự lãnh đạo thường xuyên, sát sao của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa QĐND, các bộ, ban, ngành, địa phương, sự ủng hộ giúp đỡ của các tầng lớp Nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng CAND, an ninh chính trị, an ninh tôn giáo, dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên ngày càng vững chắc; đấu tranh kiềm tỏa, vô hiệu hóa, ngăn chặn nhiều âm mưu kích động, gây biểu tình, bạo loạn, đẩy lùi những yếu tố địch và các hoạt động chống phá cực đoan; giảm thiểu những yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh chính trị trên địa bàn, không để xảy ra phá rối an ninh, bạo loạn, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, không để bị động, bất ngờ, củng cố thế trận an ninh Nhân dân, nền an ninh Nhân dân, từng bước hình thành và củng cố phòng tuyến an ninh từ xa, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế -xã hội, văn hóa, đối ngoại của vùng Tây Nguyên.
Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ những thách thức, nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất an ninh chính trị, ANTT tại vùng Tây Nguyên, đồng thời chỉ ra 5 nhóm biện pháp giải quyết. “Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn xác định mục tiêu cao nhất trong bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH Tây Nguyên đó là, không để bị động bất ngờ, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn chính trị, không để các thế lực thù địch lợi dụng dân tộc, tôn giáo tập hợp lực lượng chống phá; không để hình thành công khai những tổ chức chính trị đối lập, đảm bảo vững chắc an ninh trong mọi tình huống; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh trên toàn vùng Tây Nguyên” – Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Công an chỉ đạo toàn lực lượng CAND tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, trọng tâm là Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị; lấy phát triển để giữ vững ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân; giải quyết dứt điểm những vấn đề tiềm ẩn phức tạp về ANTT trên địa bàn.
Lực lượng CAND nắm chắc tình hình, phát hiện ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, Fulro lưu vong; chủ động đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động phục hồi của Fulro, tin lành Đề Ga, đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ những tà đạo, đạo lạ; quản lý giáo dục, cảm hóa những đối tượng liên quan đến Fulro đang sinh sống tại cộng đồng, không để đối tượng xấu lôi kéo, hoạt động trở lại; phòng, chống, giải quyết có hiệu quả vấn đề người dân tộc vượt biên.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ANTT, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện để đồng bào thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để lừa bịp, kích động quần chúng vi phạm pháp luật, gây mất ANTT.
Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là ở những vùng tập trung đồng bào dân tộc, đồng bào theo đạo. Tiếp tục xây dựng củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ANTT với Lào, Campuchia; củng cố vững chắc phòng tuyến bảo vệ an ninh từ xa, thế trận ANND, nền ANND từ cơ sở, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Cần sự chung tay của các bộ, ngành chức năng trong bảo đảm ANTT
“Đảng ủy Công an Trung ương kiến nghị các ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trong toàn vùng Tây Nguyên; quan tâm giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, việc làm cho đồng bào dân tộc; giải quyết dứt điểm những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đất đai có liên quan đến tôn giáo, dân tộc. Siết chặt quản lý Nhà nước các hoạt động tôn giáo, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái phép; kiên quyết xóa bỏ những tà đạo, đạo lạ; phát hiện xử lý theo đúng quy định của pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật; thúc đẩy xu hướng tuân thủ pháp luật trong các tôn giáo; chăm lo công tác vận động quần chúng, tín đồ đặt lên hàng đầu để giữ dân, không để những đối tượng lợi dụng tôn giáo lôi kéo, kích động”- Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ.
Thứ trưởng Lương Tam Quang cũng nhấn mạnh, lực lượng CAND tăng cường công tác cảm hóa, giáo dục những đối tượng liên quan đến Fulro đang sinh sống tại cộng đồng; có biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả tuyên truyền, xóa bỏ tư tưởng dân tộc hẹp hòi, kỳ thị dân tộc, tư tưởng ly khai, tự trị đang tồn tại trong một bộ phận đồng bào. Củng cố vững chắc hệ thống chính trị nhất là cấp cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, văn hóa và giữ vững quốc phòng, an ninh. Chăm lo xây dựng lực lượng Công an đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo trên địa bàn.
Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với Chiến lược phát triển cả nước
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh và tập trung làm rõ trả lời 3 câu hỏi: Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? Những nội dung mới, ý tưởng mới, tinh thần mới của Nghị quyết lần này là gì? Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để tổ chức triển khai thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đã đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực của cuộc sống?
Đề cập về những nội dung mới, ý tưởng mới, tinh thần mới của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, 3 điểm mới đáng chú ý là Nghị quyết đã kế thừa, bổ sung, phát triển 4 quan điểm của Nghị quyết số 10 thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Ở đây có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta tại Đại hội XIII, quyết tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về phát triển vùng Tây Nguyên trong thời kỳ chiến lược mới.
Bộ Chính trị yêu cầu, cần phải nhận thức rõ: Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trước hết là của các địa phương trong Vùng và vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh và tăng cường công tác đối ngoại. Lấy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội làm nền tảng cho việc giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội.
"Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Điểm mới thứ 2 của Nghị quyết là về mục tiêu và tầm nhìn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là một nội dung và yêu cầu hoàn toàn mới. Nếu như Nghị quyết số 37 và Kết luận số 12 trước đây chỉ đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 thì Nghị quyết lần này đã xác định mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, nhất là cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong Vùng.
Và điểm mới thứ 3 về nhiệm vụ và giải pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu, yêu cầu phát triển Tây Nguyên trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập và phân tích làm rõ trong bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị là phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này. Theo Tổng Bí thư, các địa phương trong Vùng phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết; nắm vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng.
Phát triển vùng theo hướng xanh, bền vững và toàn diện
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng. Các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với Hội đồng Vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Phấn đấu để các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ...