Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang quán triệt 4 yêu cầu, 6 nhóm giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Mục tiêu của Chỉ thị 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư là kéo giảm TNGT một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.
Ngày 6/7, tại Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới (Chỉ thị số 23), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia đã quán triệt Chỉ thị số 23. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 4 mục tiêu, yêu cầu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nêu tại Chỉ thị số 23. Trong đó, mục tiêu là kéo giảm TNGT một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.
Chỉ thị xác định 4 yêu cầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đó là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác bảo đảm TTATGT. Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nâng cao đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý Nhà nước về TTATGT. Huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong bảo đảm TTATGT.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chỉ thị số 23 xác định rõ 6 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo TTATGT. Trong đó, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT với người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giao thông. Nâng cao chất lượng công tác điều tra tai nạn, xác định rõ nguyên nhân dẫn tới TNGT để có giải pháp phòng ngừa. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng…
Nhóm thứ hai là hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về giao thông, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển con người. Trước hết, cần thực hiện trong xây dựng Luật đường bộ và Luật TTATGT đường bộ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý Nhà nước giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân trong công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng…
Nhóm giải pháp thứ ba, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT.
Nhóm giải pháp thứ tư, đó là tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông. Hoàn chỉnh quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, liên thông, kết nối một cách hài hoà các phương thức giao thông vận tải. Lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT trong quy hoạch. Tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư phát triển, nâng cấp, duy tu, sửa chữa bảo đảm năng lực và điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông...Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh chuyển đối số trong lĩnh vực giao thông.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, nhóm giải pháp thứ năm được nêu trong Chỉ thị, đó là nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT. Trong đó, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện và kiến thức kỹ năng của người điều khiển phương tiện. Siết chặt kỷ cương trong quản lý an toàn giao thông của hoạt động kinh doanh vận tải.
Nhóm giải pháp thứ 6, đó là khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
“Tôi đề nghị các bộ, ngành và UBND các địa phương tham mưu cho Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng các bộ, ngành, Thành ủy, Tỉnh ủy các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.