Phòng, chống ma túy phải quyết liệt, kiên trì, không “khoán trắng” cho Công an
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảnh báo nguy cơ, hậu quả, tác hại của ma túy; đồng thời nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống ma túy; tuyệt đối không để tồn tại suy nghĩ, tâm lý "khoán trắng" nhiệm vụ này cho lực lượng Công an.
Như Báo CAND đã thông tin sáng nay 10/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy do Bộ Công an tổ chức. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ hội trường Bộ Công an đến 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hội nghị của chúng ta hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, nhất là sau hơn 1 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy; từ đó, xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho thời gian tới.
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công an đã chủ động, chuẩn bị tốt cho hội nghị này; các ý kiến phát biểu hết sức tâm huyết. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, lời chào trân trọng, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến lực lượng CAND, các lực lượng phòng, chống ma túy.
Cơ bản nhất trí với báo cáo và các ý kiến của các đại biểu, nhất là sự trăn trở của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, vận dụng linh hoạt, sáng tạo để triển khai công tác phòng, chống ma túy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. “Chúng ta tiếp tục khẳng định, đây là nhiệm vụ cam go, nặng nề, nhưng hết sức vẻ vang với lực lượng nòng cốt là CAND”- Thủ tướng đánh giá.
Nhìn lại hơn 1 năm triển khai Luật Phòng, chống ma túy trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, đóng góp; tri ân trước những cống hiến, hy sinh của các lực lượng trong phòng, chống ma túy; đồng thời chúc mừng những thành tích xuất sắc của CBCS lực lượng CAND, các cấp, các ngành trong phòng, chống tội phạm ma túy thời gian qua, đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy, Thủ tướng bày tỏ sự trăn trở sâu sắc đối với nhiệm vụ trên, đồng thời đánh giá hiện vẫn còn có tâm lý, suy nghĩ “khoán trắng” cho lực lượng CAND của một số bộ, ngành, chính quyền các cấp. Thủ tướng nêu rõ: Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, trước những tác động của tình hình tội phạm ma túy quốc tế và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta dự báo sẽ còn rất phức tạp. “Nếu không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, tệ nạn ma túy có thể vượt xa ra khỏi tầm kiểm soát, để lại hậu quả nghiêm trọng, khó lường cho xã hội, sự phát triển bền vững của đất nước”- Thủ tướng Chính phủ cảnh báo.
Định hướng và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ thống nhất quan điểm, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, Bộ Công an, của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng CAND là nòng cốt, quần chúng nhân dân ủng hộ, đồng hành, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng có liên quan, hợp tác quốc tế.
“Ma túy là hiểm họa của nhân loại, là vấn đề toàn cầu nên phòng chống ma túy phải có cách tiếp cận toàn cầu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Đây cũng là vấn đề mang tính toàn dân nên phải có những giải pháp toàn dân, phải huy động được sự vào cuộc, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các tổ chức, đoàn thể xã hội, bạn bè quốc tế”- Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ...
“Cầu giảm thì cung giảm, cầu tăng thì cung tăng. Công tác phòng ngừa và đấu tranh tội phạm ma túy phải được kết hợp chặt chẽ với nhau. Phòng ngừa vẫn là cơ bản, quyết liệt, quyết định giảm cầu, và mới giảm được cung. Ai phòng ngừa, ai làm việc này thì chính là cấp ủy chính quyền, các lực lượng chức năng ở cơ sở. Nếu xã, phường, thị trấn không có ma túy thì ắt sẽ không có cung. Vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương rất quan trọng”- Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng chỉ rõ, cấp ủy chính quyền, hệ thống chính trị địa phương phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý, động viên, tuyên truyền, vận động, tạo sinh kế cho người dân, những người không may nghiện ma túy để họ tránh xa ma túy, phòng ngừa hiệu quả tội phạm ma túy từ cơ sở và tập trung vào nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan đơn vị địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền hệ thống chính quyền, nhất là cấp cơ sở dựa trên chức năng quyền hạn, nhiệm vụ tổ chức lãnh đạo chỉ đạo và đấu tranh phòng chống ma túy ngay từ sớm, từ xa tại cơ sở, xã phường, thị trấn. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; khẩn trương kiện toàn các tổ chức theo quy định nhất là Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới và các quốc gia có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy.
Đẩy mạnh triển khai Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; trong đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn cân đối, bố trí kinh phí từ các nguồn phù hợp cho các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình theo đúng quy định và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước. Sử dụng hiệu quả kinh phí, ngân sách vào nhiệm vụ trên.
Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức như: Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin truyền thông; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành, phê duyệt các dự án đã được giao thuộc Chương trình theo Quyết định 1452 của Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành trước 30/3/2023).
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy; tập trung đấu tranh, triệt xóa các cơ sở, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn để họ không trở thành người nghiện và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thủ tướng cũng chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy ở địa phương, ở cơ sở.
Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ tuyến biên giới, phối hợp với lực lượng Công an để phòng, chống ma túy từ xa, nhất là khu vực biên giới, trên biển. “Chúng ta kiểm soát không tốt sẽ để lọt tội phạm. Phải kiểm soát cả bên trong và bên ngoài, làm sao cầu giảm, triệt tiêu nguồn cung, lực lượng kiểm soát biên giới rất vất vả, khó khăn nhưng phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an mới phòng, chống hiệu quả tội phạm ma túy”- Thủ tướng đề nghị.
Đối với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao, cần sớm nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là các hành vi mua bán, vận chuyển, lưu hành các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị lợi dụng để ma túy núp bóng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức đánh giá hiệu quả các biện pháp cai nghiện, nhất là biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; sớm đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy, ứng dụng, sử dụng tối đa, hiệu quả các nền tảng công nghệ, nền tảng số, học sinh, sinh viên để tuyên truyền hiệu quả, nhất là tại các “điểm nóng” về ma túy và với nhóm nguy cơ cao như học sinh, sinh viên...
Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phòng, chống và kiểm soát ma túy; thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và ban hành Kế hoạch phòng, chống ma túy. “Tỉnh nào chưa làm thì phải làm ngay. Ưu tiên, bố trí kinh phí phù hợp; quan tâm đến chế độ chính sách, tinh thần đối với lực lượng phòng, chống ma túy; sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy công lập đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống ma túy ngay từ các cơ sở cai nghiện ma túy tại địa phương. Tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện. Cấp ủy chính quyền xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy”- Thủ tướng chỉ rõ...
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với truyền thống anh hùng vẻ vang “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, lực lượng CAND tiếp tục phát huy vai trò chủ công, nòng cốt, cùng các bộ, ngành, lực lượng khác ra sức phấn đấu lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trên mặt trận đấu tranh phòng, chống, kiểm soát ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên, lành mạnh và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và phát triển bền vững. Thủ tướng hoan nghênh và đồng ý với đề xuất của Bộ Công an xây dựng đề án nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống ma túy để thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Phát biểu đáp từ và bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sự phối hợp chặt chẽ, kề vai sát cánh, giúp đỡ hiệu quả, đồng hành của các ban, bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy.
Điểm lại những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng gắn với tình hình phòng, chống ma túy hiện tại, Bộ trưởng Tô Lâm cảnh báo nguy cơ, tác động của ma túy đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời nhấn mạnh những yêu cầu nhiệm vụ, định hướng, gợi mở các biện pháp của Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện hiệu quả, triển khai ngay trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy thời gian tới...
Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, được sự quan tâm, chỉ đạo đồng bộ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng, chống ma túy năm 2022 đã đạt được những kết quả nổi bật, cụ thể: Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn quốc chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 26.119 vụ, 40.113 đối tượng phạm tội về ma túy (ít hơn 0,27% số vụ, nhiều hơn 4,88% số đối tượng so với năm 2021); thu giữ hơn 743 kg heroin; hơn 2.100 kg và 4 triệu viên MTTH; 467 kg cần sa, cùng nhiều vật chứng liên quan; triệt xóa 763 điểm, 72 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh với tội phạm lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm 1.810 vụ.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo ngành Điều tra hình sự Quân đội phát hiện, bắt giữ, giải quyết 15 vụ án, 42 bị can; lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp bắt giữ 848 vụ/1.195 đối tượng, thu giữ 1.026 kg ma túy các loại; lực lượng Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp đấu tranh 238 vụ/328 đối tượng, thu giữ 354,22 kg ma túy các loại.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 303 vụ, 270 đối tượng... Kết quả hợp tác quốc tế đã phối hợp điều tra nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn, tổ chức nhiều buổi đàm phán, ký kết thỏa thuận song phương, đa phương về phòng, chống ma túy.
Điều hành tham luận của các đại biểu, đơn vị, địa phương, đồng thời chia sẻ về kết quả công tác triển khai, thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho hay, Luật Phòng, chống ma túy đã tạo ra nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong nước cũng như công tác hợp tác quốc tế, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy… Đặc biệt, trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đã có nhiều chuyển biến, kết quả tích cực.
Tính đến tháng 2/2023, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc là 48.203 người, 191.410 người nghiện ma túy. Năm 2022, toàn quốc lập 17.285 hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công tác quản lý sau cai nghiện được 100% các địa phương tổ chức thực hiện với 24.558 người hiện đang được quản lý sau cai tại cộng đồng. Công tác tái hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai nghiện, được nhiều địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện… Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nêu rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và các biện pháp đề nghị bộ, ngành, địa phương thực hiện, triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy...