Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11/2021, là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên Thủ tướng Kishida gặp trực tiếp, sau khi Đảng Dân chủ tự do giành chiến thắng trong tổng tuyển cử Nhật Bản ngày 31/10.
Trong cuộc gặp nhân Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh ngày 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.
Hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Cũng tại cuộc gặp này, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ cảm tình đặc biệt với đất nước và nhân dân Việt Nam, mong muốn sớm thăm Việt Nam, đề nghị hai nước phối hợp duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất khi kiểm soát được dịch bệnh.
Lãnh đạo hai nước nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; trên tinh thần đó, nhất trí sớm thu xếp các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Chuyến thăm là bước triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đã được khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Việt Nam luôn là bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của Nhật Bản và ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới, cùng Nhật Bản đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn đinh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt Nam sẵn sàng cùng Nhật Bản mở ra một giai đoạn phát triển mới, thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, an ninh – quốc phòng, địa phương, giao lưu nhân dân.
Việt Nam sẵn sàng cùng Nhật Bản trao đổi chân thành, hữu nghị, tin cậy, thẳng thắn, thực chất và hiệu quả; thúc đẩy hợp tác ở một số lĩnh vực trọng yếu, nhất là hợp tác kinh tế, y tế, vaccine, thuốc điều trị COVID-19; hợp tác an ninh quốc phòng, hợp tác tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Đối tác hàng đầu trên nhiều lĩnh vực
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).
Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á vào tháng 03/2014 nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Đến nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 31 tỷ USD; trong đó xuất khẩu sang Nhật đạt 14,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD.
Lũy kế đến 20/9/2021, Nhật Bản có 4.748 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 63,85 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2021, Nhật Bản có 131 dự án cấp mới, đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư hơn 3,26 tỷ USD.
Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản cung cấp tổng giá trị vay cho đến 12/2019 là 2.578 tỷ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD).
Hợp tác nông nghiệp có bước đột phá từ năm 2014 trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hai bên đã ký kết "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản" (9/2015), ký lại Tầm nhìn chung sửa đổi vào tháng 5/2018, đang triển khai “Tầm nhìn Trung và Dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2 giai đoạn 2020-2024”.
Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Về hợp tác lao động, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với gần 220.000 người.
Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 65.000 người. Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 04 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao; đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2019, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 951.962 người, đứng thứ 3, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 70 văn bản hợp tác.
Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác lao động, du lịch chịu tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Hai bên tích cực trao đổi, Chính phủ Nhật Bản viện trợ hơn 4 tỷ yên để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. Việt Nam đã hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt gần 450.000 người. Hiện có khoảng 20.000 công dân Nhật Bản tại Việt Nam.