Quan tâm nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân

18:48 29/08/2023

Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), vấn đề nhiều đại biểu quan tâm nhất là xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Chiều 29/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Thảo luận về dự án luật này, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm nhất là xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Xin ý kiến về nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân 

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (Điều 90 và Điều 92) hiện còn có 2 loại ý kiến. Theo đó, nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình. Tuy nhiên, theo phương án này thì phải bổ sung các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, xác định rõ quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở.

Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp vì không bảo đảm thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cần hạn chế đưa vào khu công nghiệp để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp. 

Bên cạnh đó, cũng có 2 loại ý kiến về chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình.

 Quy định cụ thể hơn một số nội dung về tiêu chí chất lượng nhà ở

Về quy định đối với nhà lưu trú công nhân, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đề nghị, cần làm rõ nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, và nếu không thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở. Bày tỏ đồng tình, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, đối với nội dung xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, trước hết cần tách riêng nội dung về xây dựng nhà ở xã hội và nội dung xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thành hai điều riêng. Bởi hai nội dung này hoàn toàn khác nhau, không nên gộp chung như dự thảo luật hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cũng lưu ý, cần xác định rõ nội hàm giữa nhà ở của công nhân và nhà lưu trú của công nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) phát biểu tại hội nghị.

Cơ bản nhất trí về chiến lược phát triển nhà ở, tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị, cần quy định cụ thể hơn một số nội dung về tiêu chí chất lượng nhà ở, diện tích bình quân đối với từng loại nhà ở thương mại xã hội, công vụ phục vụ tái định cư, nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia, nhà lưu trú công nhân để phù hợp với đặc thù địa hình, mật độ dân cư, thiết chế văn hóa tổng thể và hạ tầng kinh tế kỹ thuật của đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo… Đồng thời, đề nghị làm rõ nhà lưu trú công nhân thuộc loại hình nào trong 6 loại hình được quy định tại Điều 31 dự thảo luật.

Tán thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ quản đầu tư nhà ở xã hội

Nhất trí với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cho rằng, quy định này phù hợp với chủ trương, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho đối tượng công nhân. Theo đại biểu, hệ thống công đoàn các cấp là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nên hơn ai hết họ nắm rõ nhu cầu về chỗ ở cho người lao động, nhất là những người lao động có thu nhập thấp hay hoàn cảnh khó khăn. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội với tư cách là cơ quan chủ quản mà không phải trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án, đồng thời chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Các dự án sử dụng nguồn vốn là tài chính công đoàn, nhà ở cho thuê vận hành như đối với các nhà ở do Nhà nước đầu tư.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm.

Có chung mối quan tâm, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nêu rõ, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân hoàn toàn có cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở, nâng cao đời sống cho người lao động. Theo đại biểu, quy định nêu trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn. Đại biểu Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là vấn đề nhà ở. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở, tuy nhiên, chúng ta chưa hoàn thành được mục tiêu này. “Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe… Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc” - đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cũng đề nghị giữ quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của công đoàn. “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý hệ thống nhà lưu trú công nhân. Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể”, đại biểu Nghĩa đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu giải trình, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, các tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Phương Thuỷ

Nhân dịp tháp tùng chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cộng hòa Pháp từ ngày 4-8/10 và trước đó là tới Cộng hòa Ireland từ ngày 1-3/10, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã có cuộc gặp, làm việc với lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ nước sở tại.

Từ ngày 1-5/10, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước và xây dựng pháp luật về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

“Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp cho thấy sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương với Pháp", Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Để hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản và những điểm mới mà dự thảo luật đề cập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác PCCC và CNCH hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an.

Tại các địa phương trong cả nước không tồn tại các cơ sở băm gỗ dăm trái phép thì ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các cơ sở băm gỗ dăm trái phép mọc lên như nấm sau mưa, trong đó Nghệ An chiếm số lượng lớn nhất và “công khai” nhất. Ai đã đứng sau “chống lưng” cho các cơ sở này hay chính quyền và các cơ quan chức năng bất lực?

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文