Quốc vương Campuchia chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Tô Lâm

17:30 12/07/2024

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Tô Lâm đã được tổ chức trọng thể tại Hoàng cung ở thủ đô Phnom Penh dưới sự chủ trì của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 12-13/7.

Quốc vương Norodom Sihamoni đón Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Khoảng 14h40 chiều 12/7 (giờ địa phương), lễ đón chính thức Chủ tịch nước Tô Lâm đã được tổ chức trọng thể tại Hoàng cung ở thủ đô Phnom Penh dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni.

Nhân dân Campuchia đón chào Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Dọc tuyến đường vào và trước cửa Hoàng cung, hàng nghìn thanh thiếu niên, học sinh và nhân dân thủ đô Phnom Penh mang ảnh chân dung Quốc vương Norodom Sihamoni và Chủ tịch nước Tô Lâm vẫy cờ và hoa chào đón Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam.

Khi đoàn xe tiến vào Hoàng cung, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni nồng nhiệt chào đón và mời Chủ tịch nước Tô Lâm bước lên bục danh dự. Quân nhạc cử Quốc thiều hai nước Việt Nam và Campuchia.

Tiếp đó, Quốc vương Norodom Sihamoni mời Chủ tịch nước Tô Lâm duyệt Đội danh dự Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Sau đó, Quốc vương Norodom Sihamoni và Chủ tịch nước Tô Lâm cùng nhau giới thiệu lãnh đạo các bộ, ngành hai nước có mặt tại lễ đón.

Trên cơ sở quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước, chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia trong khuôn khổ chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các mặt đi vào thực chất, hiệu quả hơn, qua đó khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Campuchia, cũng như tăng cường sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Lễ đón Chủ tịch nước Tô Lâm tại sân bay quốc tế Phnom Penh. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục được duy trì vững chắc, trong đó hợp tác kênh Đảng giữ vai trò nòng cốt định hướng quan hệ hai nước.

Hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục là trụ cột, trong khi hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đang là điểm sáng, đặc biệt kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ở mức cao.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Kim ngạch thương mại hai chiều có những bước phát triển ngoạn mục từ mức 5,32 tỷ USD năm 2020 đã lên tới 10,57 tỷ USD năm 2022. Năm 2023, tuy chịu tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn giữ mức cao, đạt 8,57 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,6 tỷ USD và kỳ vọng cả năm 2024 sẽ trở lại mốc 10 tỷ USD. Từ đó sẽ góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu mà Thủ tướng hai nước đã thỏa thuận trong chuyến thăm của Thủ tướng Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet tới Việt Nam hồi tháng 12/2023 là đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên mốc 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Về đầu tư, Việt Nam hiện có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Ở chiều ngược lại, Campuchia có 35 dự án có hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 76 triệu USD đang đầu tư tại Việt Nam.

Hợp tác giáo dục, giao thông-vận tải, văn hóa-xã hội, du lịch, khoa học-kỹ thuật được quan tâm đẩy mạnh. Công tác giải quyết giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt có bước tiến mới.

Giao lưu và hợp tác giữa các đoàn thể, các tổ chức quần chúng nhân dân được duy trì và có những đổi mới về hình thức. Hai bên cũng thường xuyên hợp tác, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng.

Sau lễ đón, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến với Quốc vương Norodom Sihamoni tại Chính điện Hoàng cung.

Theo TTXVN

Những ngày này, đường phố, giao thông Hà Nội đang bị đảo lộn do một số tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng luôn ứng trực giúp người dân đi lại được thuận tiện, an toàn.

Việc tìm kiếm người mất tích tại 2 điểm sạt lở đất gây thương vong lớn tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông và khu Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc vẫn đang được gấp rút thực hiện với 350 người trực tiếp tham gia, trong đó có hơn 100 CBCS công an.

Trưa 12/9, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tại các khoa điều trị, những người dân vô cùng may mắn đã sống sót sau cơn lũ dữ ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai đang được điều trị tích cực. Nỗi bàng hoàng, đau đớn vẫn vương trên những gương mặt thất thần…

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 12h30 ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão khiến 327 người chết, mất tích (199 người chết, 128 người mất tích), 807 người bị thương.

Để đưa thi thể nạn nhân về huyện Nguyên Bình bàn giao an toàn cho gia đình, CBCS Công an huyện Bảo Lạc phải trực tiếp đi bộ hơn 20km, khiêng thi thể vượt qua nhiều tuyến đường nguy hiểm, do quãng đường di chuyển từ Bảo Lạc sang Nguyên Bình đang bị ách tắc nghiêm trọng vì đất đá sạt lở và mưa lũ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文