Quy định nội dung đấu giá biển số xe trong dự thảo Luật TTATGT đường bộ là phù hợp
Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là rất cần thiết.
Sáng 27/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, đó là quy định về đấu giá biển số xe.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết, báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của việc đấu giá biển số xe. Chính vì vậy, việc luật hóa các quy định về đấu giá biển số xe trong Luật TTATGT đường bộ là cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.
"Vì vậy, tôi đồng tình với phương án đưa nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo” – đại biểu nói và cho rằng, biển số xe được xác định là một loại tài sản công, do đó việc quản lý biển số xe cũng tương tự như quản lý các loại tài sản công khác. Do đó, luật này chỉ quy định về nội dung (loại biển đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đăng ký xe, biển số xe trúng đấu giá...), còn về hình thức (trình tự, thủ tục đấu giá) thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các luật chuyên ngành. Đại biểu cũng nhất trí việc mở rộng việc đấu giá biển số đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) và đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cũng bày tỏ nhất trí với việc đưa quy định đấu giá biển số xe vào dự án luật, đồng thời đánh giá cao Chính phủ đã có đánh giá tác động của nội dung này. Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị có đánh giá bổ sung về tác động xã hội, đặc biệt là khía cạnh văn hoá vì liên quan đến quan niệm về các chữ số xấu, đẹp, ảnh hưởng như thế nào tới văn hoá.
"Bên cạnh đó, nếu để đấu giá trong luật này thì phải sửa quy định về đấu giá trong Luật Đấu giá tài sản. Ví dụ tiền đặt trước thì Luật Đấu giá tài sản có vênh với luật này hay không? Hiện dự thảo Luật Đấu giá tài sản cũng chưa xử lý vấn đề này" – đại biểu nêu câu hỏi.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu, cân nhắc, có tổng kết đánh giá đầy đủ, cụ thể, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô để bổ sung vào dự thảo Luật cho phù hợp.
Theo báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là rất cần thiết. "Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo luật này mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội thì lúc đó phải tiến hành trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung luật mới sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách", báo cáo cho hay. Theo báo cáo, việc mở rộng đấu giá biển số xe đối với xe mô tô, xe gắn máy xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân có biển số mua xe mô tô, xe gắn máy theo ý thích. Hơn nữa, số lượng xe mô tô, xe gắn máy đăng ký hàng tháng rất lớn, nếu mở rộng đấu giá biển số đối với các loại xe này sẽ tăng thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Để luật hóa nội dung đấu giá biển số xe theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh thiết kế 2 phương án.
Phương án 1: bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật TTATGT đường bộ (Điều 37 dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý), trên tinh thần kế thừa nội dung của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe có điều chỉnh để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết trên.
Phương án 2: bổ sung nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với phương án 1, vì đưa vào quy định trong dự thảo Luật TTATGT đường bộ là phù hợp với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật TTATGT đường bộ là luật chuyên ngành.