Rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua

11:22 15/02/2022

Sáng 15/2, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát Cơ động (CSCĐ).

Công tác tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát Cơ động phát huy hiệu quả bảo đảm an ninh trật tự

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CSCĐ, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN)  nhấn mạnh, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điểm đ khoản 2, Điều 9 dự thảo luật Chính phủ trình về nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát vì đây không phải là nhiệm vụ thường xuyên, không mang tính đặc thù của CSCĐ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng  và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên, Thường trực UBQPAN cho rằng, quy định nhiệm vụ "tuần tra, kiểm soát" là kế thừa khoản 3, Điều 7 của Pháp lệnh CSCĐ, hiện nay đang thực hiện theo Thông tư số 58 ngày 3/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT của CSCĐ.

"Thời gian qua, công tác này đã phát huy hiệu quả trong bảo đảm ANTT tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ lại nhiệm vụ này và chỉnh lý như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cho bổ sung Điều 12 về hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT của CSCĐ trên cơ sở luật hóa một số quy định tại Thông tư số 58", Chủ nhiệm UBQPAN lý giải.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định "huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương" tại khoản 3, Điều 9 vì không phải là nhiệm vụ chính của CSCĐ,  không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho rằng, Luật Phòng, chống khủng bố giao Bộ Công an chủ trì "tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống khủng bố". Bộ trưởng Bộ Công an đã giao CSCĐ trực tiếp tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chống khủng bố cho các cơ quan, đơn vị ngoài ngành Công an tham gia phòng, chống khủng bố và nhiệm vụ này đã thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để chặt chẽ, rõ ràng hơn, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý khoản 3 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng CSCĐ chỉ tham gia huấn luyện các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận tại phiên họp.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc khoản 3, Điều 10 dự thảo luật Chính phủ trình về quyền hạn của CSCĐ vì chưa phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định số 36 ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; đồng thời chồng lấn với nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Thường trực UBQPAN báo cáo như sau: Theo pháp luật hiện hành, Bộ Quốc phòng được giao thống nhất quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Tuy nhiên, chưa có quy định về các hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý đối với loại phương tiện này nếu xâm phạm các vùng cấm bay, vùng hạn chế bay. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng không quy định về việc nổ súng vào loại phương tiện này.

"Trong khi đó, CSCĐ được giao nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng theo quy định của Chính phủ. Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho CSCĐ chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công xâm phạm các mục tiêu do CSCĐ được giao bảo vệ, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa loại phương tiện bay này là phù hợp", Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phân tích.

Cảnh sát Cơ động cần có sự hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn về khoản 2, Điều 30 dự thảo luật, việc quy định hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ có phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và đề nghị thay thế bằng quy định, Nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động của CSCĐ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị làm rõ nội dung này, bởi NSNN phải đảm bảo đủ để CSCĐ hoạt động, không nên có sự hỗ trợ của địa phương...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thảo luận tại phiên họp.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, sự hỗ trợ của các địa phương đối với CSCĐ là không sai với Luật NSNN. Điều 8, Điều 9 Luật NSNN có quy định, ngân sách cấp dưới được chi hỗ trợ cho các đơn vị cấp trên trong tình huống cấp bách do thiên tai, dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. "Tôi ủng hộ phương án này vì lực lượng CSCĐ trong tình hình hiện nay cần có sự hỗ trợ nhất định khi thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Ghi trong luật như vậy là phù hợp", Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, khẳng định, trong luật có cơ chế để các địa phương hỗ trợ cho các lực lượng đặc biệt như CSCĐ. Thực tế, đây cũng là nhiệm vụ chính trị của các địa phương, nếu không đưa vào luật thì các địa phương sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

"Theo tôi, sự hỗ trợ của ngân sách địa phương cho các lực lượng vũ trang nói chung và CSCĐ nói riêng là hết sức cần thiết. Khi xảy ra những tình huống bất ngờ, đột xuất, việc huy động lực lượng vũ trang rất quan trọng, lúc đó ngân sách Trung ương không thể chi kịp thời, trong khi việc thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa là trách nhiệm của Trung ương, vừa là trách nhiệm của địa phương. Cần có cơ chế đó để các địa phương hỗ trợ các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình giải trình, tiếp thu của UBQPAN phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan; các ý kiến góp ý sâu sắc của UBTVQH tại phiên họp hôm nay, đồng thời đề nghị UBQPAN và Bộ Công an tiếp tục giúp Chính phủ, UBTVQH nghiên cứu, tiếp thu tối đa các nội dung này.

Về phương án hoàn thiện, cơ bản hiện nay không có vấn đề lớn, khác nhau nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tinh thần chung dự thảo luật cần bám sát Nghị quyết 40 năm 2004 của Bộ Chính trị. Theo đó, cần nhấn mạnh vai trò của lực lượng CSCĐ đặc biệt hơn so với các lực lượng khác, trong phòng chống bạo loạn, khủng bố, bố trí trang bị phù hợp, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất, tính cơ động cao, tinh nhuệ, ứng phó tại các "điểm nóng", địa bàn trọng điểm...

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan trong hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ. Về ngân sách, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Luật NSNN nghiêm cấm cấp này chi cho cấp kia, nhưng lại cho phép ngân sách địa phương được chi hỗ trợ cho các đơn vị Trung ương trên địa bàn, như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và các lực lượng khác khi có đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, bảo đảm ANTT, phòng, chống thiên tai...

"Ví dụ, Bộ đội huy động hàng tiểu đoàn dầm mưa gặt lúa cho dân chạy lũ, đó không phải là nhiệm vụ chính của họ, kinh phí Quốc phòng không chi cho việc này, nên địa phương phải hỗ trợ. Không chỉ ngành Công an mà nhiều ngành dọc khác nữa", Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng và đánh giá chất lượng dự thảo luật đảm bảo tốt, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp Cơ quan thẩm tra tập trung rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua theo quy trình.

CSCĐ là lực lượng thực hiện biện pháp vũ trang chủ yếu trong CAND

Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an và các Cơ quan soạn thảo của Chính phủ đã phối hợp UBQPAN và các cơ quan có liên quan tiến hành nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH. Đồng thời phối hợp tổ chức nhiều buổi hội thảo khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, phục vụ cho việc tiếp thu, giải trình đạt kết quả cao nhất.

Trên cơ sở đó, Bộ Công an và UBQPAN đã thống nhất các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, báo cáo xin ý kiến của UBTVQH tại phiên họp. Trong đó, dự thảo luật đã chỉnh lý các nội dung về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, một số quy định về tổ chức hoạt động của CSCĐ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với quy định của Hiến pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH. Các nội dung chỉnh lý, bổ sung không làm thay đổi các chính sách lớn trong dự thảo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ: CSCĐ là lực lượng vũ trang, thực hiện biện pháp vũ trang chủ yếu trong CAND. Trước đây, năm 1959, khi thành lập Công an vũ trang thì chính là lực lượng thực hiện các biện pháp vũ trang này. Sau 35 năm, lực lượng Công an vũ trang có quyết định chuyển sang Quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, mà bây giờ gọi là Bộ đội Biên phòng thì trong Công an vẫn cần một lực lượng thực hiện các biện pháp vũ trang.

Qua nhiều giai đoạn có nhiều tên gọi, song hiện nay thống nhất gọi là CSCĐ vì đã đi vào văn bản pháp luật, trở thành một lực lượng biên chế, tổ chức vũ trang như một đơn vị của Quân đội. Trong Công an có nhiều lực lượng đều thuộc lực lượng vũ trang, nhưng biện pháp vũ trang chủ yếu là ở CSCĐ. Có ý kiến nói, sử dụng động vật nghiệp vụ hay nghi lễ cũng phải mang tính chất vũ trang, vì nghi lễ trong CAND thì khác các nghi lễ, lễ tân thông thường khác.

"Cũng có ý kiến nói, sự giúp đỡ của Nhân dân, từ "giúp đỡ" có phù hợp? Đây là câu nói gần gũi, dễ hiểu, Bác Hồ đã nói: "Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn". Việc giúp đỡ của Nhân dân đối với lực lượng Công an là khái niệm gần gũi, phù hợp", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Đối với vấn đề ngân sách, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn các đại biểu đã chia sẻ với lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSCĐ nói riêng. "Rất đúng thực tiễn, "lúc dân cần, lúc dân khó có Công an", song sự giúp đỡ của Nhân dân đối với lực lượng Công an cũng rất cần thiết. Cơ chế chính sách cũng không bó chuyện này, các đại biểu phát biểu có sự động viên, chia sẻ, thấu thiểu, rất đáng quý", Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, sau phiên họp hôm nay, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBQPAN, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và các vị đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Quỳnh Vinh

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lạc Sơn để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bức xúc khi chứng kiến đối tượng trộm cắp xe máy giữa ban ngày, anh Nguyễn Công Định (ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã lao thẳng xe vào tên trộm rồi sau đó cùng người dân khống chế thành công đối tượng trộm cắp xe máy.

Tối 4/11, Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) đã tạm giữ hình sự đối với Lê Minh Trung (SN 1977; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ngày 3/11, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an tỉnh Sơn La về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

Ngày 4/11, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Công an huyện Như Xuân vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Bùi Văn Tuấn (SN 1983), ở xã Bình Lương, huyện Như Xuân về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Lương cơ sở đã tăng, nhưng một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu lương cũng "mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện". Thế nên, các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng nhân tài thì vẫn "như lá mùa Thu".

Chiều 4/11, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa xuất quân hỗ trợ lực lượng chức năng Campuchia chữa cháy casino 7 tầng, thuộc xã Tropeng phlong, huyện Ponhia Kret, tỉnh Tbuong Khmum (Campuchia), hướng dẫn thoát nạn cho 4 người bị thương mắc kẹt trong đám cháy.

Ngày 4/11, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác bí mật ghi hình các bãi giữ xe bên ngoài trường THPT Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) qua đó phát hiện không ít học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 110 – 125 cc như: Honda Vision, Spacy… gửi tại đây.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文