Sẽ chất vấn giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao

08:45 14/03/2024

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự kiến dành một ngày (18/3) thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.

Sáng 14/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Phiên họp thứ 31 của UBTVQH. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Phiên họp thứ 31 diễn ra trong 3,5 ngày, dự kiến cho ý kiến, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng.

Về công tác lập pháp, UBTVQH cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 dự án luật trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, gồm: dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN) và động viên công nghiệp; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sau phiên họp lần này, 9 dự án luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sẽ được UBTVQH cho ý kiến, xem xét. Như vậy có thể thấy, tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ, của UBTVQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực và sớm hơn so với kỳ họp trước đây. Các dự án luật trình lần này đều được các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành, lĩnh vực cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc rất kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lần, tiếp thu một cách tối đa những ý kiến xác đáng của ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học; tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa đối với Thủ đô mà cho cả nước, đề nghị các đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến về cả nội dung, bố cục, nhất là những chủ trương đã được ban hành. Đối với Luật Công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là cơ hội để chúng ta hoàn thiện thể chế tốt nhất cho lĩnh vực phát triển công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tối đa, có sự thay đổi sâu sắc về cả nội dung và kỹ thuật lập pháp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu trên từng lĩnh vực và các lĩnh vực khác có liên quan tích cực đóng góp ý kiến, cố gắng thảo luận, đóng góp ý kiến để đảm bảo các dự án luật có chất lượng tốt nhất, nhất là một số dự án luật khó...

Quang cảnh phiên họp.

Về nhóm vấn đề thứ hai, UBTVQH sẽ xem xét, quyết định việc thành lập, sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương, Tiền Giang. Đây cũng là một trong những nội dung công tác trọng tâm để thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong thời kỳ mới. Cũng tại phiên họp, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2024.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH dự kiến dành 1 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.

Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, nội dung tập trung vào công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó là việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng. Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Với nhóm vấn đề ngoại giao, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo.

Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch. Ngoài ra còn có công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài). Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

Ngoài hai Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng có sự tham gia của một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. "Trọng tâm phiên họp thứ 31 là để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH cũng nhận được văn bản của Thủ tướng, dự kiến bổ sung một số nội dung, một số nghị quyết sẽ trình tại Kỳ họp thứ 7. "UBTVQH đang yêu cầu các Ủy ban phối hợp các bộ, ngành liên quan làm rõ sự cần thiết và tiến độ chuẩn bị. Trên cơ sở đó, phân loại ra, cái nào khả thi, cần phải tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, cái nào có thể giãn tiến độ đưa sang Kỳ họp thứ 8, tránh tình trạng cứ đưa hết vào rồi chuẩn bị không đến nơi đến chốn, dẫn đến kỳ họp quá tải", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Quỳnh Vinh

Nhân dịp đồng chí Tô Lâm được Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lãnh đạo các nước Nga, Brunei, UAE, Palestine, Sri Lanka và Mông Cổ đã gửi điện và thư chúc mừng.

Ngày 23/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước yêu cầu của phía Campuchia, đề nghị Việt Nam hợp tác điều tra thông tin một số tài khoản mạng xã hội được cho là của công dân Việt Nam có lời lẽ chưa đúng mực trên tài khoản của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hunsen.

Ngày 22/5, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã phát đi thông báo đang kiểm tra, xác minh tin báo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín về dấu hiệu tội phạm do “Đặng Tất Thắng lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quyết định phân công của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về giải quyết nguồn tin tội phạm… 

 Ngày 23/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có công văn đề nghị Chủ tịch UBND 6 tỉnh: Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, chấm dứt việc vận chuyển trái phép sản phẩm động vật được cho có nguồn gốc từ châu Âu (nơi có dịch bò điên) qua biên giới với Campuchia.

Chiều 23/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Tuyến (SN 1991, ngụ Hải Dương) và Đoàn Nguyễn Ngọc Thương (SN 1996, ngụ Quảng Ninh) về hành vi trộm cắp tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文