Sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp thứ 14, xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi toàn diện luật này nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp; bảo đảm tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Cùng với đó, đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu). Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo DNNN giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dự án luật tập trung vào 4 nhóm chính sách trọng tâm, gồm: Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.
Từ đó, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBPL và các cơ quan của Quốc hội tán thành sửa đổi toàn diện, kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của luật hiện hành. UBPL nhận thấy, 4 nhóm chính sách được Chính phủ đề xuất đã bảo đảm phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đã được rà soát để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị lưu ý, cân nhắc thận trọng việc sử dụng một số khái niệm mới bảo đảm phù hợp, thống nhất với các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và tinh thần Nghị quyết số 12.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị, cần quy định rõ các nguyên tắc, tiêu chí để giám sát, kiểm tra hoạt động sử dụng, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để bảo toàn và bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, tránh sơ hở có thể dẫn đến sai phạm, vi phạm, gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước.
Về nhóm chính sách liên quan đến cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBPL và các cơ quan đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, đề xuất chính sách cụ thể để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương đã được đề ra. Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trên cơ sở phân tích các vấn đề liên quan, UBTVQH đồng ý chủ trương sửa đổi, đồng ý chủ trương bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, thời gian qua, các Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được ban hành với nhiều quy định mới. Một số luật mới ban hành, sửa đổi, bổ sung cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Do vậy, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý rà soát, nghiên cứu để bảo đảm thống nhất với các luật đã ban hành, cũng như dự án luật dự kiến sẽ xây dựng.
Qua xem xét hồ sơ, do nhận thấy còn nhiều vấn đề cần bổ sung, làm rõ, UBTVQH giao lại cho Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình xem xét trong các phiên họp tới.
Sáng cùng ngày, UBTVQH đã biểu quyết thông qua các nghị quyết thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.