Tăng cường hơn nữa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài

16:44 13/01/2023

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trả lời phỏng vấn báo chí, làm rõ những kết quả của công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2022, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và thông tin thêm về chương trình Xuân Quê hương năm nay. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu. 

Phóng viên: Xin Thứ trưởng đánh giá những kết quả nổi bật của công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2022?

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12) và Nghị quyết 169-NQ/CP của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026 (Nghị quyết 169).

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai mọi mặt công tác, tạo được sự chuyển biến trên nhiều mặt, tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ nhất, công tác nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị chính sách được chú trọng, bám sát với tình hình mới, đạt những kết quả nổi bật.

Tháng 6/2022, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169; có sự tham dự của đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, cơ quan, tổ chức trong nước; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện một số doanh nhân, trí thức kiều bào…

Hội nghị nhằm tăng cường nhận thức và tạo sự thống nhất về hành động giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài, quán triệt sâu rộng tới các địa phương trên cả nước, bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác trong tình hình mới.

Trong công tác giữ gìn và phát huy tiếng Việt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030, nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ; thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.

Nhằm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác, Bộ Ngoại giao đã xây dựng, hoàn thiện các chương trình về tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực của kiều bào trong tình hình mới, chăm lo cho kiều bào ở các địa bàn khó khăn như củng cố địa vị pháp lý, hỗ trợ năng lực hội nhập vào xã hội sở tại.

Người Việt tại Anh tham gia cuộc thi gói bánh chưng tại Lễ hội Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: TTXVN)

Thứ hai, công tác đại đoàn kết, vận động, thu hút nguồn lực kiều bào tiếp tục được chú trọng; nhờ đó, ngày càng nhiều kiều bào tham gia đóng góp nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm” cho quê hương, đất nước.

Trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức, thăm cấp nhà nước của lãnh đạo cấp cao, bà con ta có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo cấp cao về tình hình đất nước, tình hình cộng đồng, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của kiều bào. Những buổi gặp gỡ thân mật này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với đồng bào sống xa Tổ quốc, là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với bà con.

Năm vừa qua, Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức các chương trình thường niên dành cho kiều bào như Xuân Quê hương (1/2022), Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (4/2022), đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 (5/2022), Trại hè Việt Nam (7/2022)…

Từ nhiều năm nay, những chương trình này đã trở thành thương hiệu, thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo kiều bào, trong đó có cả thế hệ trẻ.

Qua đó, góp phần khơi dậy mạnh mẽ và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, nâng cao tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động kết nối, thu hút nguồn lực kiều bào tích cực được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, gia tăng về số lượng, mở rộng về quy mô, góp phần tăng cường củng cố niềm tin và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy trao đổi hợp tác với trong nước.

Bộ Ngoại giao tích cực hỗ trợ các hội, nhóm kiều bào tổ chức các hoạt động tại Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác với trong nước, đóng góp ý kiến cho các vấn đề trong nước quan tâm.

Thứ ba, công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai tích cực, kịp thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho bà con ta ở nước ngoài. Đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần hỗ trợ tích cực kiều bào đang gặp khó khăn.

Nhờ sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở trong và ngoài nước, cùng sự tham gia đóng góp tích cực của các hội đoàn, doanh nghiệp và cá nhân người Việt, công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến sự đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đối với việc hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác hỗ trợ người gốc Việt di dời, tái định cư gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế lâu dài, hòa nhập với xã hội sở tại.

Bộ Ngoại giao tích cực tổng hợp các ý kiến phản hồi của cộng đồng kiều bào về các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực như quốc tịch, hộ tịch, nhà ở-đất đai, đầu tư, lao động…, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về các quy định pháp lý liên quan. Bộ Ngoại giao và các cơ quan quan tâm nghiên cứu, điều chỉnh các quy định pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền lợi của bà con khi về nước thăm thân, đầu tư, kinh doanh.

Hiện nay, các cơ quan trong nước đang tập trung sửa đổi Luật Đất đai và Luật Quốc tịch, hai lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi của bà con và được cộng đồng rất quan tâm.

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc trong chương trình “Xuân quê hương Vĩnh Phúc 2023”. Ảnh: TTXVN.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết, năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ có những chương trình, hoạt động trọng tâm gì?

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Nếu năm 2022 là năm “khởi động” những hướng công tác triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169, năm 2023 là năm cần “tăng tốc” triển khai thực hiện những biện pháp cụ thể.

Về chủ trương, chính sách, chúng tôi sẽ phối hợp triển khai công tác tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36).

Đây được coi là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Đến nay, Nghị quyết 36 vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện trong quan điểm “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” được kế thừa và phát huy trong các văn bản chỉ đạo sau này cũng như trong thực tế triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Trên cơ sở đó, việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết nhằm đánh giá toàn diện về kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế; từ đó đề ra những chủ trương, đường hướng trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài cho phù hợp với tình hình mới của đất nước và tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan rà soát các văn bản pháp luật dành cho người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bà con khi về nước sinh sống, học tập, làm việc, đầu tư…; bổ sung, hoàn thiện những chính sách, biện pháp mới nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực kiều bào; thúc đẩy tiếp thu ý kiến của kiều bào để kiến nghị các chính sách phù hợp.

Công tác đại đoàn kết luôn được xác định là nền tảng quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong năm tới, công tác đại đoàn kết sẽ được đẩy mạnh triển khai và nâng cao hiệu quả về các mặt như xác định chủ trương, đề ra các chương trình, đề án cụ thể, và triển khai thực hiện một cách sát sao, hiệu quả.

Việc gìn giữ và phát huy ngôn ngữ và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được coi trọng nhằm xây dựng môi trường bền vững và thúc đẩy tinh thần yêu nước của kiều bào.

Trên cơ sở thành công của Nghị quyết 36 và chủ trương “kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, hành động phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc” của Đảng và Nhà nước, công tác đại đoàn kết sẽ tiếp tục được chú trọng nhằm bảo đảm tính toàn diện, đa dạng, linh hoạt và phù hợp với từng địa bàn và từng nhóm đối tượng cụ thể.

Về hỗ trợ cộng đồng, chúng tôi xác định cần đẩy mạnh các biện pháp tổng thể, lâu dài, đặc biệt ở những địa bàn kiều bào có nhiều khó khăn; hướng dẫn, hỗ trợ về pháp lý, giải quyết các đơn thư, khiếu nại của kiều bào về chính sách pháp luật…

Đối với nhóm doanh nhân, trí thức kiều bào, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong nước, các tổ chức khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp của kiều bào đối với các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với chuyên gia, trí thức kiều bào và chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ…

Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, trong đó chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin, tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các lực lượng phản động, thù địch; hỗ trợ và phát huy hiệu quả các kênh truyền thông của kiều bào.

Phóng viên: Ngày 8/9 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt. Để chủ trương cũng như ý nghĩa cao đẹp của Ngày này thật sự lan tỏa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cần triển khai những giải pháp thiết thực gì?

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”.

Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai thông qua các cơ quan đại diện, kết hợp với trong nước, lồng ghép vào các hoạt động của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan. Để tối ưu hóa hiệu quả, các hoạt động sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đồng thời phát triển các nền tảng số, mạng xã hội để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài dễ tìm kiếm và theo dõi.

Đề án tập trung vào các hoạt động cụ thể như tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào ngày 8/9 hằng năm, Hội nghị kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt, Cuộc thi tìm kiếm “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài”, tổ chức tri ân, ghi nhận, động viên các cá nhân, gia đình, tổ chức, hội đoàn có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng, Chương trình nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương”. Tại từng địa bàn, các cơ quan đại diện sẽ lồng ghép Chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt với các hoạt động văn hóa đối ngoại, xây dựng Tủ sách tiếng Việt, thúc đẩy việc đưa tiếng Việt có nội dung quảng bá, giới thiệu văn hóa, truyền thống, đất nước, biển đảo, con người Việt Nam vào các thư viện, cơ sở dữ liệu ở sở tại…

Để tổ chức thực hiện Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt một cách bài bản, hiệu quả, Bộ Ngoại giao đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023 với một số hoạt động cụ thể nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giúp tạo bước chuyển quan trọng nâng cao nhận thức, cổ vũ và khuyến khích bà con gìn giữ, phát huy tiếng Việt và văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

Chương trình "Xuân Quê hương" năm 2022 với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh: Báo Chính phủ. 

Phóng viên: Xuân Quê hương là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhất đầu năm mới 2023, nhằm kết nối kiều bào với trong nước. Xin Thứ trưởng thông tin thêm về những nét mới và công tác chuẩn bị cho chương trình năm nay?

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Xuân Quê hương là hoạt động về nguồn do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức dành cho bà con kiều bào.

Đây là kênh gặp gỡ thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là cơ hội để bà con bày tỏ lòng tri ân, sự biết ơn và tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ, hòa mình vào không gian Xuân, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, truyền thống của dân tộc.

Chương trình năm nay được tổ chức với quy mô lớn và nhiều hoạt động đa dạng, ý nghĩa. Dự kiến chương trình năm nay sẽ có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức ngày 14/1/2023 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Xuân Quê hương 2023 với chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng” nhằm hưởng ứng tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, thể hiện niềm tin và khát vọng chung về một Việt Nam hùng cường, phồn vinh.

Đây cũng là thông điệp về tinh thần yêu nước của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương trong nước để Xuân Quê hương trở thành hoạt động được tổ chức rộng khắp ở trong và ngoài nước, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp và ý nghĩa sâu sắc của chương trình.

Với tính chất như vậy, công tác chuẩn bị được Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho các đại biểu tham dự, đồng thời truyền tải đầy đủ, đậm nét về mục đích, ý nghĩa của chương trình.

Hiện nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, sẵn sàng công tác tổ chức chương trình.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Tiến Anh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文