Tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chủ động trong hoạt động Quốc hội
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết.
Việc sửa đổi, bổ sung Nội quy nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định cụ thể những quy trình, thủ tục tại kỳ họp chưa được quy định tại các luật chuyên ngành; còn những quy trình, thủ tục về các vấn đề cụ thể đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì chỉ dẫn chiếu tại dự thảo Nghị quyết; sửa đổi, bổ sung cụ thể hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp trong việc tổ chức kỳ họp (cả thường lệ và bất thường) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp; đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn...
Dự thảo Nội quy về cơ bản có bố cục tương tự Nội quy hiện hành, gồm 3 chương với 62 điều.
Qua tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nội quy năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, về cơ bản Nội quy vẫn còn nhiều quy định đang phát huy hiệu quả.
Trên cơ sở thực tiễn thực hiện và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, bổ sung Nội quy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 25 vấn đề mới để sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 (cụ thể bổ sung 6 điều, sửa đổi 43 điều và kế thừa nguyên văn 13 điều như quy định hiện hành) nên đề nghị hình thức văn bản là Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) để dễ theo dõi.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội; tán thành với các mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết được nêu trong Tờ trình.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung và nhấn mạnh việc ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi) lần này phải bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận trong các phiên họp, cuộc họp; phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Bên cạnh đó, bảo đảm các quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội tại kỳ họp được xây dựng khoa học, chặt chẽ, logic, sát thực tiễn, khả thi, có tính chuyên nghiệp cao; tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với nhân dân. Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ quy định hiện hành là không quá 7 phút nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chủ động trong việc chuẩn bị nội dung phát biểu, có đủ thời gian để phân tích, trình bày lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút để giúp mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu hơn.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định trong quá trình điều hành thảo luận tại hội trường, Chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận cũng như để có nhiều đại biểu hơn được tham gia thảo luận. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ và quy định cụ thể các trường hợp Chủ tọa có quyền quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu (không quy định chung là “khi cần thiết,” nhằm bảo đảm minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện).
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng quyết định chất lượng hoạt động Quốc hội. Về thời gian phát biểu của đại biểu, các đại biểu cho rằng, không nên rút ngắn thời gian phát biểu xuống còn 5 phút, vì như thế là quá ngắn để đại biểu có thể lập luận đầy đủ vấn đề cần nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, trước đây, thời gian phát biểu của đại biểu từng được quy định là 20 phút, hiện tại vẫn nên giữ 7 phút. Đại biểu nếu đã đăng ký mà không còn thời gian phát biểu sẽ gửi ý kiến cho Đoàn Thư ký tổng hợp. Tán thành với quy định thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội là 7 phút, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận.
"Nên quy định linh hoạt hơn trong những phiên thời gian có nhiều, có thể không quá dài, nhưng có quy định mốc đó nào đó, chẳng hạn 10-15 phút cho các đại biểu là chuyên gia, am hiểu lĩnh vực đó để nói hết ý”, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm.
Phát biểu tại phiên họp, đề cập đến yêu cầu mở rộng dân chủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ thực tế kỳ họp từ trước đến nay, nội quy kỳ họp đã thể hiện việc mở rộng dân chủ như thế nào, định hướng tới đây ra sao?
Dự thảo nội quy quy định đại biểu Quốc hội không được chất vấn quá 2 lần có hợp lý không, trong khi đang muốn có một Quốc hội tranh luận. Ngược lại, làm thế nào để quyền phát biểu của đại biểu mà không ảnh hưởng đến công tác điều hành kỳ họp. Trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Theo Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, việc đầu tư hoàn thành dự án quan trọng quốc gia đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội là hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành liên quan trong vùng Thủ đô Hà Nội và của cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia; đồng thời, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu...
Thẩm tra hồ sơ Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, Tờ trình đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Tuy nhiên, Thường trực UBKT nhận thấy, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT. Do đó, hình thức đầu tư của dự án phải là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án.
Về tốc độ thiết kế, theo Tờ trình, dự án thành phần 3 có vận tốc thiết kế 100 - 120km/h. Có ý kiến cho rằng, dự án có nhiều nút giao liên thông, lưu lượng rất lớn. Các tuyến cao tốc được thiết kế theo vận tốc 100 - 120km/h, song thực tế tốc độ khai thác chỉ đạt trung bình hoặc thấp như: Tuyến Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đạt khoảng 80 - 90km/h; vành đai 3 Hà Nội chỉ đạt khoảng 60km/h. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc đầu tư theo thực tế khai thác để tiết giảm tổng mức đầu tư.
Về một số ý kiến cho rằng dự án sẽ khó bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025, Thường trực UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng cao để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.
Đối với dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng (vốn đầu tư công); áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án cần được Quốc hội quyết định. Do đó, UBKT khẳng định, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về nguồn vốn, ngân sách Trung ương bố trí 38.741 tỷ đồng (TP Hồ Chí Minh: 24.011 tỷ đồng, Đồng Nai: 1.934 tỷ đồng, Bình Dương: 9.640 tỷ đồng, Long An: 3.156 tỷ đồng). Ngân sách địa phương bố trí 36.637 tỷ đồng (TP Hồ Chí Minh: 24.011 tỷ đồng, Đồng Nai: 1.934 tỷ đồng. Bình Dương: 9.640 tỷ đồng, Long An: 1.052 tỷ đồng).
Thường trực UBKT cho rằng, việc Chính phủ dự kiến nguồn lực ngân sách Trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và việc dự kiến tiếp tục bố trí từ nguồn chưa phân bổ trong phạm vi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm cơ bản hoàn thành dự án là phù hợp. Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi UBTVQH, các dự án cần thiết, cấp bách của các địa phương khác còn nhiều và có thể bố trí vốn để triển khai, giải ngân ngaynên cần cân đối nguồn vốn để vừa tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triểnnhưng cũng giải quyết các vấn đề cấp bách của các địa phương khác từ nguồn ngân sách Trung ương chưa phân bổ chi tiết.
"Đề nghị Chính phủ sớm trình danh mục đầu tư từ nguồn chưa phân bổ làm cơ sở phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án quan trọng quốc gia", Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nêu.
Về tốc độ thiết kế theo Tờ trình là 80 km/h và phương án này được đánh giá là phù hợp với quy mô, thực tiễn khai thác và tối ưu tổng mức đầu tư cho dự án. Một số ý kiến cũng lo ngại dự án khó bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025, do vậy, Thường trực UBKT đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực.
Về đề xuất UBND cấp tỉnh được phép quyết định cho phép nâng công suất khai thác các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác lên không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác, không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường, Thường trực Chủ nhiệm UBKT đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết và đánh giá tác động của các đề xuất này.
"Việc không lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường có thể sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước được, nhất là việc khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông, dễ dẫn đến sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân", Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh lưu ý.