Tăng lương là cần thiết nhưng nguồn lực đầu tư phát triển, lo an sinh xã hội cần hơn

16:21 19/10/2021

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, tăng lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; song trong bối cảnh thiệt hại lớn về kinh tế do COVID-19 thì việc này cần lùi lại thời điểm thích hợp hơn.

Chiều 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì Họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Xem xét 12 dự án Luật, Nghị quyết

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc vào ngày 13/11, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt:

 Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10). Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy, 1 ngày chủ nhật. ĐBQH ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; ĐBQH công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời tại họp báo.

Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (6 ngày, từ ngày 8/11 đến ngày 13/11). Quốc hội làm việc 1 ngày thứ bảy.

Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí Đợt 2 liền mạch với Đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt chúng ta đang từng bước trở về trạng thái "bình thường mới", vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề KTXH, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

7 dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

5 dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến: Luật Cảnh sát Cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH.

Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); dự kiến xem xét, quyết định về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm Y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020...

Sẽ chất vấn những vấn đề bức xúc nổi lên về KTXH

Trả lời tại họp báo về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến thời điểm hiện nay, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi 63 Đoàn ĐBQH; đã có 54 Đoàn ĐBQH và 23 ĐBQH gửi nội dung đề nghị chất vấn.

Qua tổng hợp bước đầu, có 59 nhóm vấn đề được đề nghị, dự kiến đến ngày 27-28/10 sẽ gửi xin ý kiến các ĐBQH, sau đó sẽ quyết định vấn đề nào và Bộ trưởng, thành viên Chính phủ nào sẽ trả lời chất vấn. Theo ông, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này, các thành viên Chính phủ thì còn tùy thuộc vào vấn đề được chất vấn. Đó sẽ là những vấn đề bức xúc nổi lên về KTXH của đất nước, được nhiều ĐBQH và cử tri quan tâm. Và tất nhiên, việc chất vấn sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tổng thời gian của phiên chất vấn...

Toàn cảnh họp báo.

Liên quan nội dung lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, đây là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. "Theo Nghị quyết số 27, chúng ta đã có chuẩn bị cho việc này, tuy nhiên vừa qua tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động hết sức nghiêm trọng đến KTXH, đến chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đời sống...; chúng ta phải chi nhiều ngân sách mua kít xét nghiệm, mua vaccine, chi cho cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch ở cơ sở... Do đó, việc tăng lương theo lộ trình là hết sức cần thiết, song bối cảnh hiện nay chúng ta bị đứt gãy các chuỗi sản xuất, thiệt hại lớn về kinh tế nên nguồn lực đầu tư phát triển, nguồn lực chăm lo cho an sinh xã hội của người dân cần hơn", ông Bùi Văn Cường phân tích, đồng thời nhấn mạnh Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) đã quyết định lùi chính sách cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Ủy ban đã được UBTVQH giao thẩm tra, tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. UBTVQH, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện.

"Chính phủ đã hết sức chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mang lại hiệu quả tốt như mong muốn của toàn dân", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá. Về việc Quốc hội cho phép thực hiện một số biện pháp cấp bách, pháp luật chưa quy định, vượt thẩm quyền..., Chính phủ đã khẩn trương ban hành tổng cộng trên 100 văn bản liên quan để chỉ đạo thực hiện. Với tinh thần đó, có một sự chủ động nhất định, nhưng cũng tạo ra hệ lụy do có những cái khác luật, không đúng quy định pháp luật; do đó có cái kịp thời, có cái chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có cái ràng buộc quyền con người, quyền công dân nên tạo sự phản ứng nhất định...

 

 

Quỳnh Vinh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文