Tạo lập niềm tin số, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế về an ninh mạng
Ngày 27/10, Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Tập đoàn IEC tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng Việt Nam 2021 (Vietnam Security Summit 2021). Đây cũng là lần đầu tiên Hội thảo và Triển lãm quốc tế An toàn không gian mạng được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an đã phát hiện hơn 1.550 trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam có tên miền “.vn” bị tin tặc tấn công, chèn các thông điệp của tin tặc, trong đó có hơn 400 trang thuộc quản lý của các cơ quan Nhà nước. So với 6 tháng đầu năm 2020, số lượng các trang, cổng thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước bị tấn công tăng lên gấp đôi. Hàng chục nghìn địa chỉ IP của khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước bị nhiễm mã độc. Đặc biệt, việc mua bán, công khai thông tin về tài khoản ngân hàng, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, để lừa đảo, đánh cắp tiền từ tài khoản ngân hàng của người sử dụng… vẫn tiếp diễn.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống quan trọng của cơ quan trọng yếu như truyền thông, hàng không, năng lượng, y tế nhằm phá hoại, đánh cắp dữ liệu tiếp tục diễn ra, gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Các nhóm tin tặc tiếp tục lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để tấn công mạng bằng cách gửi thông tin, tài liệu giả mạo để phát tán mã độc.
Chia sẻ hình dung của Bộ TT&TT về bức tranh an toàn không gian mạng năm 2025, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết: Vào năm 2025, dự báo rằng mỗi giây sẽ có 3.000 cuộc tấn công mạng và 12 mã độc mới, tăng tương ứng 3 lần và 2,4 lần so với năm 2020. Số lỗ hổng, điểm yếu mới xuất hiện mỗi ngày vào 2025 là khoảng 70, tăng 1,75 lần so với năm 2020. Lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI) là 2 công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực an toàn thông tin mạng giai đoạn đến năm 2025, thể hiện ở việc nhiều ứng dụng mật mã phi đối xứng có thể bị phá vỡ trong những năm tới; và AI sẽ dần thay thế con người trong lĩnh vực an toàn không gian mạng, đạt khoảng 38,2 tỷ USD vào năm 2026, tăng 23,2%/năm.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin, định hướng của Chính phủ, Bộ TT&TT trong lĩnh vực an toàn không gian mạng là “An toàn không gian mạng cho tất cả, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”.
Với định hướng đó, Bộ TT&TT đã xác định 8 mục tiêu cần đạt được thời gian tới gồm: Duy trì thứ hạng 25, hướng tới thứ hạng 20 về chỉ số GCI; Mỗi người dân có một “Hiệp sĩ” bảo vệ; Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có 1 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ; 100% bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn thông tin theo 4 lớp; bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin 11 lĩnh vực quan trọng; 100% người sử dụng được tiếp cận nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin; tỷ lệ thông tin tiêu cực duy trì dưới 10%; và 100% nền tảng số tuân thủ quy định pháp luật.
Cũng theo ông Phúc, quan điểm, định hướng, mục tiêu mà Bộ TT&TT hướng tới là tạo lập niềm tin số, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về an toàn thông tin mạng. “Niềm tin số là nền tảng cho các hoạt động kinh tế xã hội trong kỷ nguyên số. Tạo lập niềm tin số là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. Vì vậy, tạo niềm tin số là một thách thức rất lớn cho không chỉ của Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới” - Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhận định.
Ông Sam Cheng Qingjun - Giám đốc quan hệ công chúng và các vấn đề chính phủ của Huawei, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số Trung Quốc thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Trung Quốc cũng cho rằng, an ninh mạng đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế số đang phát triển, giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Tác động của COVID-19 đối với toàn cầu cũng là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc có các mạng viễn thông mãnh mẽ, an toàn, ổn định để một nền kinh tế số có thể chống chọi với một sự kiện lớn như đại dịch.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay: Việt Nam hiện xếp hạng 25 toàn cầu về chỉ số an toàn thông tin mạng. Đây là kết quả nỗ lực của Chính phủ cũng như các bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn thông tin mạng. Trong 2 năm gần đây, Việt Nam chuyển dần các hoạt động của mình lên không gian mạng nhiều hơn. Mỗi ngày 1 người Việt Nam trực tuyến trên mạng Internet khoảng gần 7 tiếng.
Thời lượng này sẽ tiếp tục tăng lên và đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn thông tin mạng sẽ cao hơn. Thống kê trên thế giới cho thấy, có 900 cuộc tấn công mạng, có 5 mã độc mới sinh ra trong mỗi giây, phát hiện 40 điểm yếu, lỗ hổng mỗi ngày. Đó đều là những nguy cơ hiện hữu mà chúng ta phải đối mặt và điều này có thể tăng mạnh trong thời gian tới.
Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, an toàn thông tin mạng giờ đây là câu chuyện của mọi người. Việt Nam cần phải duy trì và tiếp tục cải thiện năng lực để bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia, tạo lập niềm tin số và triển khai an toàn thông tin mạng cho các tổ chức, cá nhân, người dân trên không gian mạng. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phổ cập Chiến dịch an toàn thông tin mạng cơ bản cho người dân, cung cấp ứng dụng, dịch vụ an toàn thông tin cơ bản trên nền tảng thiết bị di động.