Thanh tra chính phủ kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 535 tỷ đồng tại Đắk Lắk
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Thông báo số 2012/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng và công tác quản lý, sử dụng đất đai. Nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai đã được TTCP chỉ ra.
Chủ yếu áp dụng hình thức để lựa chọn nhà thầu
TTCP nêu rõ, công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn nhiều bất cập. Đối với các dự án có sử dụng đất, việc UBND tỉnh Đắk Lắk chủ yếu áp dụng hình thức để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức quyết định chủ trương đầu tư không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc qua đấu giá quyền thuê đất với lý do địa bàn ưu đãi đầu tư, qua thanh tra thấy việc áp dụng hình thức trên cho hầu hết tất cả dự án đầu tư trên địa bàn là không phù hợp thực tế, giảm nguồn thu ngân sách.
Việc phê duyệt chủ trương đầu tư và giám sát đầu tư đối với các dự án ngoài nhà nước còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về trật tự xây dựng đối với các dự án đầu tư TP Buôn Ma Thuột phát hiện vi phạm nhưng xử lý không triệt để. Đặc biệt là Dự án nhà ở thương mại tại Khối 7, phường Tân Lợi và dự án Nhà ở xã hội khu tập thể Công ty cổ phần vận tải ô tô Đắk Lắk để xảy ra vi phạm về đất đai, xây dựng nghiêm trọng, diễn ra thời gian dài, dư luận bức xúc nhưng việc xử lý chưa dứt kiểm, chưa cương quyết.
Việc quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tổ chức thực hiện một số dự án như: Trang trại phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1), huyện Ea H’leo, Nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H’leo; trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng và Dự án Nhà máy Điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk, huyện Ea Súp có một số sai phạm, tồn tại nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Dự án Đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt tại Thôn 8, xã Ea Lại, huyện M’Đrắk, việc UBND tỉnh chủ trương tạm ứng số tiền hơn 55 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ đầu tư đền bù, giải phóng mặt bằng đến nay nhà đầu tư chưa thống nhất hoàn trả, dẫn đến nguy cơ mất tiền ngân sách nhà nước...
Xử lý về kinh tế hàng trăm tỷ đồng
Từ những sai phạm tại kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chức năng xử ký về kinh tế với tổng số tiền hơn 535,6 tỷ đồng. Trong đó đôn đốc, thu hồi vào ngân sách nhà nước của các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng tiền đất, tiền tạm ứng và các khoản thu nộp tính đến 31/3/2022 số tiền hơn 380 tỷ đồng trong đó tiền sử dụng đất là hơn 120 tỷ đồng, tiền thuê đất hơn 166 tỷ đồng, tiền gia hạn dự án đầu tư hơn 3 tỷ đồng, tiền tạm ứng cho Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt huyện M’Đrăk để giải phóng mặt bằng hơn 55 tỷ đồng.
Thu hồi vào Quỹ phát triển rừng số tiền hơn 44 tỷ đồng của 8 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Yêu cầu các chủ dự án nộp tiền ký quỹ tính đến 15/4/2022 số tiền hơn 108 tỷ đồng trong đó ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường hơn 53 tỷ đồng, ký quỹ đầu tư hơn 55 tỷ đồng; trừ giá trị quyết toán số tiền hơn 1 tỷ đồng của 6 gói thầu xây lắp. Cùng với việc thu nộp ngân sách nhà nước, tiến hành phạt chậm nộp theo quy định. Đối với cá nhân, tổ chức chây ì, không chấp hành áp dụng các biện pháp cương quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát 128 dự án để có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án được gia hạn 24 tháng nhưng vẫn không hoàn thành, dự án chấp thuận đầu tư không quy định tiến độ nhưng thời gian thực hiện kéo dài hoặc không hiệu quả, dự án chủ đầu tư không có khả năng triển khai, dự án “treo”, dự án để đất hoang hóa nhiều năm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật. Cụ thể, 94 dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành thủ tục đầu tư hoặc chưa tiến hành đầu tư vi phạm Luật Đầu tư 2014, 34 dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng vi phạm Luật Đất đai.