Thủ tướng: Con người phải là mục tiêu cao nhất của phát triển xanh
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”.
Sáng 19/3, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới; ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đồng chủ trì Diễn đàn.
Khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, diễn đàn hôm nay diễn ra trong thời khắc rất đặc biệt khi Việt Nam cùng thế giới đang đẩy mạnh việc chuyển đổi tới một nền kinh tế theo mô hình xanh hơn và bền vững hơn. Mô hình này sẽ thúc đẩy tăng trưởng, giảm tác động tới môi trường và giải quyết các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Do vậy, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có.
Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới dự báo rằng, lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần phải có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040 và một nửa phần này khoảng 184 tỷ USD cần có từ khu vực tư nhân. Để huy động được, chúng ta phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn.
Thêm nữa, cần có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành.
Cần có thị trường vốn để có được các mô hình huy động trái phiếu bền vững để Việt Nam đạt được những nguồn tài chính cần thiết trong lộ trình biến đổi khí hậu của mình.
Cuối cùng, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân hơn nữa, thêm cơ hội cho họ trong thị trường carbon. Đây là thị trường mang tính tự nguyện nhưng sau này, bắt buộc chúng ta bảo đảm được môi trường đó phát triển mạnh mẽ và có được nền kinh tế xanh hơn trong việc giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như tiếp cận hàng hóa tốt hơn. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực tư nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ mới cho nền kinh tế xanh Việt Nam.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho biết, hướng tới sự thịnh vượng xanh và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam thì việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách và có ảnh hưởng lớn của chúng ta. Để làm được điều này, Chính phủ nên khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo. Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy một tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn, điều cần thiết là hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than.
Về thuế, để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu (GMT) sắp tới, ông Gabor Fluit đề xuất các biện pháp khuyến khích đầu tư mà có thể bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.
Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết: "Năm 2022, chúng tôi có những thành công ấn tượng tại Việt Nam và đặc biệt, chúng tôi đề ra tính cấp bách và rất muốn có được những cơ chế hỗ trợ cho nguồn năng lượng chuyển đổi từ khí đốt cho tới điện gió ngoài khơi và những giải pháp giúp chúng ta có được công nghệ lưu trữ pin. AmCham muốn có những khung pháp lý đầy đủ cho nền kinh tế số và đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp giấy phép lao động".
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam hoan nghênh cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đưa ra tại COP26 cũng như những nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để hướng tới mục tiêu này. Đó là cơ sở để doanh nghiệp Anh tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam, điển hình là các dự án điện gió ngoài khơi, cũng là lĩnh vực mà Vương quốc Anh là một trong những quốc gia đi đầu.
Ông David Whitehead, thành viên Ban lãnh đạo Auscham, đại diện Hiệp hội Thành viên liên kết cho rằng, để phát triển kinh tế xã hội, việc hồi sinh du lịch và kinh doanh khách sạn là cần thiết để thu hút khách du lịch, giúp ngành du lịch phát triển. Hiện có 25 quốc gia miễn thị thực cho du lịch ngắn hạn khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh Việt Nam, thường là 15 ngày. "Chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ xem xét khả năng miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Australia phù hợp với 25 quốc gia đã được miễn thị thực", ông David Whitehead nói.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tại VBF 2023, Bộ Công Thương nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề năng lượng, trong đó có các kiến nghị của Eurocham, Amcham…Với các chủ đề mà cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị liên quan đến chính sách điện gió ngoài khơi; hydro xanh…, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, đây đều là những vấn đề Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng như xây dựng Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Mục tiêu chính của 2 quy hoạch quan trọng này là đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26. Thủ tướng chỉ đạo việc tiếp cận năng lượng của nền kinh tế và người dân với chi phí hợp lý. “Đây là những mục tiêu song hành và thách thức, tuy nhiên chúng tôi đang đề ra các chương trình để thực hiện mục tiêu này”, ông Đặng Hoàng An cho biết.
Phát triển mang lại thu nhập nhưng cũng phải mang lại sức khỏe cho người dân
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tăng trưởng xanh là xu thế trên thế giới. Đây là chủ đề thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển đất nước.
Về những kiến nghị của doanh nghiệp tại diễn dàn, liên quan đến thủ tục hành chính, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung thúc đẩy chuyển đổi số để giảm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; hạn chế nhũng nhiễu, tham nhũng. Về chính sách thuế, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước, nhất là thuế tối thiểu toàn cầu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam, không ảnh hưởng doanh nghiệp.
Về vấn đề thị thực, Việt Nam đang tích cực giải quyết theo hướng thuận lợi hơn; về giấy phép lao động, Chính phủ tiếp tục đổi mới, tạo thuận lợi nhất cho người lao động, không vì một vài trường hợp vi phạm mà xây dựng chính sách không cởi mở. Liên quan đất đai, Việt Nam đang tập trung nghiên cứu sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Việt Nam đang tích cực xây dựng Luật Khám chữa bệnh, sửa đổi Luật Dược. Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tận tụy, nhiệt tình với các nhà đầu tư.
Về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, do đó chúng ta phải đoàn kết, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần hợp tác chân thành, tin cậy, hiệu quả. Tăng trưởng xanh dựa trên 3 trụ cột: Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng đơn thuần; lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển, phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập nhưng cũng phải mang lại sức khỏe cho người dân.
Phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Phương châm là chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế, từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi phát triển kinh tế xanh. Nâng cao năng lực thể chế, quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh. Sớm nghiên cứu các tiêu chuẩn về công trình, dự án xanh của thế giới và áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”.
Tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Việt Nam nêu cao trách nhiệm thực hiện cam kết về giảm phát thải; đồng thời đề nghị các đối tác phát triển đẩy mạnh hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh phù hợp với từng vùng miền, địa phương và mô hình doanh nghiệp.
Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam không muốn nhà đầu tư đến đây lại kinh doanh bị lỗ bởi thành công của các bạn chính là thành công của Việt Nam. Thủ tướng kêu gọi công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam. Theo đó, thời hạn các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi. Thủ tướng mong các nhà đầu tư chia sẻ Việt Nam về vấn đề này.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp. Thủ tướng mong rằng, sau diễn đàn này, VBF tiếp tục là kênh đối thoại thiết thực, hiệu quả giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp.