Thủ tướng: Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn

11:41 17/02/2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý 6 nhiệm vụ trọng tâm để đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra.

Ngày 17/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã dự, chỉ đạo Hội nghị sơ kết thực hiện chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 504).

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu.

Dự hội nghị còn có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo); đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; các đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

Với định hướng đưa nước ta phát triển ổn định và bền vững, mang lại môi trường an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, an toàn tính mạng cho nhân dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội đất nước phát triển bền vững; ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình 504.

Ngay sau khi hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, các bộ, ban, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ nạn nhân; thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát và rà phá bom mình, vật liệu nổ; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực quản lý, điều hành và nghiên cứu phát triển...

Theo Ban Chỉ đạo, trước khi ban hành Chương trình 504 thì mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước.

Giai đoạn 2010-2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật liệu nổ được 485.000ha (trung bình đạt gần 50.000ha, tăng 35% so giai đoạn trước) với ngân sách 12.614 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài là 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).

Như vậy, tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo, Bộ Quốc phòng - cơ quan thường trực đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, lập Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và tổ chức công bố số liệu vào tháng 4/2018, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Đối với các dự án ODA không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, gồm Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Na Uy..., các tổ chức quốc tế MAG, NPA, Golden West, SODI, Peace Tree... đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống của người dân và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển xã hội đất nước.

Với mục tiêu huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, bảo đảm đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước, nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn và hành lang pháp lý về khắc phục hậu quả bom mìn.

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, công tác vận động tài trợ, chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, hoàn thiện hệ thống dữ liệu bom mìn quốc gia. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ nạn nhân.

Đặc biệt, chỉ đạo quyết liệt công tác điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn; triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân với khôi lượng đạt khoảng 500.000ha. Tăng tốc độ rà phá bom mìn đạt khoảng 75.000 ha/năm để đảm bảo tốt nhất cho hoạt động, cuộc sống của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế đã phát biểu, đánh giá kết quả và những thành tựu khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng kế hoạch nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025; khẳng định nỗ lực của Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn, ổn định đời sống nhân dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và các hoạt động tài trợ quốc tế cho khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mới có được hòa bình như ngày hôm nay. Nhưng cho dù sống trong hòa bình thì hậu quả của những cuộc chiến ấy vẫn tồn tại, không chỉ để lại hậu quả nặng nề về con người, chiến tranh còn có sức tàn phá ghê gớm đối với môi trường, đó là chất độc hóa học, đó là bom mìn đã rải xuống đất và nướcm hủy hoại môi trường sống của con người và thiên nhiên.

Bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam là hiểm họa hằng ngày đối với người dân, là vấn đề nhức nhối của đất nước, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội.

Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn vẫn còn sót lại và ở khắp mọi nơi, kể cả thành thị và nông thôn, đồng ruộng và sông ngòi.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1975 đến nay, đã có hơn 4 vạn người chết và 6 vạn người bị thương, do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi năm, bom mìn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tật suốt đời.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ảnh, sách, báo, tuyên truyền về phòng tránh bom mìn.

Thủ tướng cho biết hơn ai hết, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc những hậu quả nặng nề mà các cuộc chiến tranh để lại. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn nói riêng.

Việc ban hành Chương trình 504 Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ổn định cuộc sống người dân, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm sớm loại bỏ sự nguy hiểm bởi bom mìn do chiến tranh để lại ở Việt Nam.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh nói chung, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai thực hiện hiệu quả và thu được nhiều kết quả quan trọng.

Việt Nam đã triển khai khảo sát và rà phá được gần 500.000ha đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom mìn vật nổ. Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ.

Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người dân ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng, được tiếp cận với các phương pháp phòng tránh tai nạn bom mìn.

Đáng chú ý, số vụ tai nạn bom mìn giảm đáng kể, nhiều địa phương trong nhiều năm không còn xảy ra tai nạn do bom mìn sau chiến tranh. Những kết quả tích cực trên đã mang lại cuộc sống an toàn cho người dân đồng thời góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Theo Thủ tướng, bên cạnh kết quả quan trọng, công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn những khó khăn, hạn chế, kết quả còn thấp so với yêu cầu đặt ra như chưa đạt được chỉ tiêu diện tích rà phá bom mìn làm sạch đất đai (tỷ lệ hoàn thành mới đạt 69,28%); việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước cho khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh chưa được tập trung; hoạt động rà phá bom mìn chưa thực sự gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng trong thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là rất nặng nề, phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là kế hoạch sử dụng đất đai tại các địa phương, nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom mìn làm sạch đất đai để tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, hỗ trợ tối đa cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn.

Trên cơ sở phân tích các bài học thành công, nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng yêu cầu cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách, hành lang pháp lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh. Triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Phấn đấu đến 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc.

Tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra, chủ động hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ trong rà phá bom mìn, nghiên cứu, vận dụng và thực hiện phương thức quản lý bom mìn một cách chủ động, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá thực tiễn; cập nhật những cách làm, mô hình hay, hiệu quả trong nước và quốc tế để áp dụng, thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực hiện Chương trình 504.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai vận động, tổ chức tiếp nhận các nguồn tài trợ, bảo đảm mục tiêu, tiến độ thực hiện Kế hoạch 2021-2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các dự án thuộc Chương trình 504 vào danh mục ưu tiên vận động tài trợ quốc tế; xây dựng chính sách thu hút ODA cho thực hiện Chương trình 504.

Thủ tướng cũng giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; cân đối ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình 504 thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng trân trọng đề nghị Chính phủ các nước, các ngài đại sứ, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành, đưa Việt Nam sớm thoát khỏi sự ảnh hưởng của bom mìn do chiến tranh để lại.

Thủ tướng mong muốn mọi người cùng nhau xây dựng lòng tin, chung tay gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đem lại sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân. Chúng ta nỗ lực hành động để ngăn chặn chiến tranh, xung đột vũ trang để các dân tộc trên thế giới không còn phải gánh chịu hậu quả đau thương do chiến tranh và xung đột gây ra.

Sáng 17/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ảnh về phòng tránh bom mìn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh về hậu quả bom mìn bên lề hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ảnh, sách, báo, tuyên truyền về phòng tránh bom mìn.
Hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ảnh, sách, báo, tuyên truyền về phòng tránh bom mìn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại tướng Phan Văn Giang đã trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng tặng các cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức quốc tế có thành tích xuất sắc trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.

Theo Vietnam+

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文