Thủ tướng: Kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

15:19 05/05/2023

Thủ tướng chỉ đạo các tổ công tác và thành viên Chính phủ tích cực làm việc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

Sáng 5/5, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4 năm 2023 để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và một số vấn đề quan trọng khác.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tư. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các tổ chức quốc tế đánh giá tốt

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, cụ thể về bối cảnh, tình hình; những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được là tích cực. Nhiều chỉ tiêu của tháng 4 đã có chuyển biến, tín hiệu và xu hướng khả quan, đạt kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn.

Tuy nhiên, diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới tăng trưởng giảm, lạm phát vẫn tiềm ẩn, các thị trường lớn của Việt Nam thu hẹp.

Là nước đang phát triển, có độ mở lớn nên kinh tế Việt Nam dễ bị tác động từ bên ngoài, trong khi vẫn phải xử lý các vấn đề nội tại.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; bám sát thực tiễn, nâng cao tính chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương; tận dụng mọi cơ hội và nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Cụ thể, kinh tế-xã hội đạt được kết quả cơ bản, quan trọng, có xu hướng tích cực: lạm phát có xu hương giảm; thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất giảm; xuất siêu tăng, sản xuất công nghiệp tăng trở lại; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi; số doanh nghiệp mới tăng trở lại; du lịch phục hồi nhanh; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Các tổ chức quốc tế đánh giá tốt về tình hình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan trong thời gian tới.

Sau khi phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 và thời gian qua, về nhiệm vụ trong tháng 5 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 5 có nhiều sự kiện quan trọng, nhiều hoạt động đối ngoại. Trong bối cảnh, dự báo tình hình quốc tế thời gian tới còn phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề.

“Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đứng trước những thách thức; Trung Quốc phục hồi vừa tạo cơ hội, song cũng tạo áp lực cạnh tranh; rủi ro về tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới vẫn cao… Do đó, đòi hỏi phải theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình và phản ứng chính sách kịp thời” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng yêu cầu trong chỉ đạo, điều hành phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quan tâm các vấn đề văn hóa, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm lãi suất cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác; tiếp tục triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số… và chống thất thu thuế; triệt để tiết kiệm chi, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ ổn định và tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giảm chi phí cho doanh nghiệp; có giải pháp kích cầu tiêu dùng; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp theo các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định liên quan về phòng cháy, chữa cháy.

Để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, Thủ tướng chỉ đạo phát huy vai trò của các tổ công tác và thành viên Chính phủ tích cực làm việc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.

Các tỉnh, thành phố khẩn trương thành lập và chủ động, tích cực triển khai hoạt động của Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng. “Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư, phương thức hợp tác công-tư, thu hút vốn FDI, nhất là FDI chất lượng cao,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xử lý các vấn đề, dự án thua lỗ, tồn đọng, kéo dài; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các dự án, công trình lớn, trọng điểm, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; quyết liệt triển khai, hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh các giải pháp kích cầu và khai thác hiệu quả thị trường trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khai thác hiệu quả các FTA.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số ở các cấp, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp; tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia song song với việc liên thông, liên kết thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung; thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao; chú trọng tạo việc làm, kết nối cung-cầu lao động; tiếp tục phòng, chống tham nhũng; đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường truyền thông chính sách, đấu tranh với các thông tin xấu độc.

Quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tư. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong số đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng, đề xuất Chương trình thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; sớm có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới.

Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan, hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập trong việc chậm trễ thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng; sớm đề xuất các biện pháp xử lý vướng mắc về vốn ODA.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn, ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng hóa sản phẩm, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch toàn bộ quy trình, thủ tục, quy định trong vay vốn; đảm bảo kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao.

Bộ Công thương thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; triển khai hoặc xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất quốc tế; tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống; đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.

Bộ Xây dựng tích cực thúc đẩy tiến độ các công trình giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm định công trình các dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, cấp phép xây dựng các dự án; phối hợp với các địa phương phân loại, đánh giá và có phương án xử lý từng dự án bất động sản; triển khai mạnh mẽ chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông; khởi công các dự án mới.

Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao khơi thông thị trường cho hàng hóa nông nghiệp; có phương án, giải pháp tổ chức, quản lý sản xuất nông nghiệp, bảo đảm duy trì và tiếp tục phát triển các thị trường nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; theo dõi sát diễn biến thời tiết, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất phù hợp.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo dõi sát tình hình thị trường lao động; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm. Bộ Y tế tiếp tục theo dõi diễn biến dịch COVID-19 và các dịch bệnh theo mùa, dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức, kiến thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục tập trung khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục rà soát, có biện pháp hiệu quả khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học và giữa các địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng; xây dựng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đẩy mạnh thông tin, truyền thông chính sách; đồng thời phản bác trước các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; tích cực nêu các gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả, nhất là phát huy các nguồn lực hợp tác công tư, kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ngành, địa phương.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhân dân; nhất là đầu tư các dự án mới có quy mô lớn và các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện phương án cơ cấu lại các dự án kém hiệu quả.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, Hội đồng nhân dân trên địa bàn; chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chủ động có giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, nhất là về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy mạnh công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị dự án, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện hiệu quả và tích cực hơn nữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp.

“Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra,” Thủ tướng nhắc nhở.

Theo vietnamplus.vn

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

Không chỉ nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vấn đề quản lý đất công như Báo CAND đã phản ánh vào ngày 9/11, tại Phân viện Thanh Thiếu niên miền Nam (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) thuộc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam còn để xảy ra tình trạng công trình trị giá 34 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách sau 15 chưa quyết toán xong và có nguy cơ phải đập bỏ do xây dựng không phép…

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文