Thủ tướng: Nhanh chóng kiểm soát dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Thủ tướng chính phủ giao các cơ quan, đơn vị liên quan chủ trì xây dựng kế hoạch, kịch bản phát triển kinh tế trong điều kiện mới.
Sáng nay (6/9), dưới sự chủ trì, điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2021 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và các vấn đề quan trọng khác. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; các Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp thường kỳ tháng 8 diễn ra sau khi chúng ta đã tổ chức Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; vừa tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp, dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác đối ngoại được tăng cường.
Công tác phòng chống dịch COVID-19 tiếp tục được tập trung. Trong đó tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội ưu tiên phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu; tại 40 địa phương còn lại tùy tình hình ưu tiên linh hoạt giữa phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo chuyển hướng trong phòng, chống dịch theo hướng kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Trong đó tập trung chỉ đạo chuyên sâu và phân cấp thực hiện, với phương châm “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”.
Theo đó, khi thực hiện giãn cách xã hội, các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; Tuyên truyền, vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”.
Thủ tướng biểu dương các Bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng trong phòng, chống dịch, nhất là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp các đề xuất của các ngành, địa phương về kinh phí phục vụ phòng, chống dịch; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung chính sách cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; Bộ Giao thông vận tải xem xét quy định thống nhất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, di chuyển con người cần có chỉ đạo thống nhất.
Thủ tướng đề nghị phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giao các cơ quan, đơn vị liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch, kịch bản phát triển kinh tế trong điều kiện mới. Chính phủ tập trung thảo luận 6 nội dung quan trọng, các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, nghiên cứu phát biểu đóng góp ý kiến đánh giá đúng tình hình, phân tích tìm hiểu nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong tháng 9 hiệu quả cao hơn, làm tiền đề nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đề ra.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn đinh, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, an ninh lương thực được bảo đảm. Dịch vụ công nghệ, dịch vụ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử có bước phát triển tích cực. Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh được đẩy mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, 8 tháng qua, công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Hợp tác quốc tế trong tiếp cận vaccine và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 được tăng cường. Tuy nhiên, tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 tiếp tục cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng bị ảnh hưởng nặng nề, giảm 33,7% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có khu công nghiệp lớn, phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19 nên không có đủ lực lượng lao động, hoặc phải chịu chi phí sản xuất cao để thực hiện các công đoạn cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.