Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Sáu

10:06 06/07/2024

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích sâu thêm những mặt được, chưa được, nhất là rút ra bài học kinh nghiệm công tác điều hành, quản lý, làm nền tảng cho thời gian tới để giữ đà tăng trưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 6/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương để đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP/2024 của Chính phủ; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và một số vấn đề quan trọng khác.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới đầu cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố.

Dự hội nghị còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại diện lãnh đạo các Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế Nhà nước cùng tham dự.

Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các đại biểu dự phiên họp, nêu rõ, sau phiên họp này, Chính phủ sẽ báo cáo Tổng Bí thư để xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua nửa đầu năm 2024, trong bối cảnh tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, trong nước nền kinh tế chịu tác động kép cả yếu tố bên ngoài và các vấn đề nội tại.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các hoạt động kinh tế-xã hội phục hồi tích cực hơn, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tăng trưởng GDP quý 2 đạt 6,93%, 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao ở khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm tốt. Đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín, vị thế đất nước ta tiếp tục được nâng lên.

Thủ tướng nêu rõ, những năm vừa qua, tình hình vẫn có khó khăn, phức tạp, nhưng chúng ta vẫn thực hiện tăng thu tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công hợp lý có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhờ đó tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ 1/7/2024 và đưa giải pháp tăng lương thực hiện lộ trình theo Nghị quyết 27-NQ/TW với bước đi phù hợp khả năng chi trả.

Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những thành tích đạt được là rất cơ bản, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; tình hình trật tự an toàn xã hội, cháy, nổ, tai nạn giao thông ở một số địa bàn còn phức tạp; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm... chưa khắc phục được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích sâu thêm những mặt được, chưa được, nhất là rút ra bài học kinh nghiệm công tác điều hành, quản lý thời gian qua, làm nền tảng cho thời gian tới để giữ đà tăng trưởng, khí thế để tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập, thu được kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung, phát biểu ý kiến làm rõ những vấn đề trên, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để chỉ đạo, điều hành trong tháng 7 và những tháng còn lại của năm 2024, bảo đảm hiệu quả, tạo tiền đề thắng lợi quan trọng cho năm 2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng đề nghị nêu những vướng mắc, điểm nghẽn về pháp lý, quản lý điều hành, trên cơ sở đó, các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động thực hiện hiệu quả, phù hợp tình hình. Các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao với tinh thần xác định “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, từ đó có cơ sở đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, phê bình phù hợp.

Hội nghị đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm các bộ, ngành, địa phương triển khai công việc, cụ thể hóa các Luật, Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; theo dõi sát, nắm chắc tình hình, xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh trong ngắn hạn, bảo đảm hài hòa với phát triển trung và dài hạn.

Trong 6 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 75 Nghị định, 131 Nghị quyết, 653 Quyết định, 19 Chỉ thị. Tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP chỉ đạo các giải pháp trọng tâm, có tính đột phá, cải cách để thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc ban hành các quy định để áp dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ 1/8/2024; chủ trì nhiều Hội nghị về chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực; thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững; kiểm tra thực tế và chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các công trình, dự án giao thông, năng lượng trọng điểm; ban hành các văn bản chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy, khắc phục hậu quả mưa lũ, ứng phó thiên tai...

Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng 6, quý 2 và 6 tháng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tăng trưởng GDP quý 2 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 2 tăng 4,39% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 4,08%, bám sát kịch bản đề ra. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 60% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 6 tháng tăng lần lượt 15,7%, 14,5% và 17%; ước xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện trong mùa nắng nóng. Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, trong đó, FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng... được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.

Cùng đó, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thúc đẩy; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Chính phủ đã trình Quốc hội thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7/2024.

Chính trị ổn định, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là đối ngoại cấp cao tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, có dấu ấn nổi bật, cụ thể hóa thành các dự án cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá.

Đặc biệt, đã tổ chức tiếp đón thành công Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm chính thức Việt Nam, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và làm việc tại Trung Quốc, sang thăm chính thức Hàn Quốc... Việt Nam-Hoa Kỳ lần đầu tổ chức đối thoại kinh tế đối tác chiến lược toàn diện; thu hút các nhà đầu tư lớn đối với lĩnh vực chíp bán dẫn. Vị thế, uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng lên, mở ra các cơ hội hợp tác, hướng phát triển mới cho đất nước.

Hội nghị nhận định, bên cạnh kết quả đạt được, còn không ít khó khăn, thách thức, như: các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tập trung cải thiện, tháo gỡ để tạo đột phá cho tăng trưởng cả năm. Các ngành, lĩnh vực mới, như: kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn... chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực. Xuất khẩu vào một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản tăng chậm lại. Rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thương mại mới.

Các doanh nghiệp còn khó khăn do nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao; ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; thể chế, pháp luật còn có những vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; tình hình thiên tai, bão lũ... tiếp tục diễn biến rất phức tạp; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các đại biểu dự Hội nghị khẳng định, kinh tế nước ta 6 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao; tăng trưởng kinh tế đạt cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tinh thần quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Đây là nền tảng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi và vượt mục tiêu phát triển năm 2024.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại của năm còn rất lớn. Các cấp, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Trên cơ sở phân tích tình hình, Hội nghị đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản 1 là tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, đạt cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị, tăng trưởng quý 3 là 6,5%, quý 4 là 6,6%. Kịch bản 2 là tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý 3 là 7,4%, quý 4 là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,7% và 0,6%.

Theo TTXVN

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 12h30 ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão khiến 327 người chết, mất tích (199 người chết, 128 người mất tích), 807 người bị thương.

Chiều 12/9, tại Hà Nội, Cục Truyền thông CAND tổ chức Lễ phát động ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tham dự buổi lễ có các đồng chí trong Đảng uỷ, lãnh đạo Cục Truyền thông CAND, đại diện lãnh đạo Báo CAND, Truyền hình CAND, Nhà xuất bản CAND, các phòng chức năng và CBCS, nhân viên Cục Truyền thông CAND.

Bị can Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và bị can Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc Bộ Công thương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi, qua đó gây ra thiệt hại hơn 937 tỷ đồng cho EVN (tính đến ngày 28/6/2023).

Trong hai ngày 11 và 12/9, TAND thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Thị Hương (còn gọi là “cô đồng bổ cau”, SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS.

Trong những ngày qua, người dân đều bắt gặp hình ảnh CBCS Công an Thủ đô dầm mình trong mưa lũ nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của dân sau khi cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào đất liền.

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân (CSND) I đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Trung tướng, TS Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an đã dự và phát biểu tại buổi lễ. Nhân dịp này, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi lẵng hoa chúc mừng nhà trường.

Mỗi quốc gia cần xây dựng một cộng đồng có trách nhiệm và xây dựng mạng lưới hợp tác an ninh cộng đồng. Thúc đẩy nghiên cứu, tìm hiểu những thành tựu, mô hình, kinh nghiệm trên thế giới, rút ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt, từ đó, nâng cao tư duy, năng lực quản trị xã hội trong bảo đảm an ninh cộng đồng.

Sáng 12/9, thông tin từ Công an xã Cuối Hạ (huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình) cho biết, 2h sáng cùng ngày, trên địa bàn xóm Má Mư xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm 2 vợ chồng trong một gia đình tử vong, lực lượng chức năng đã cứu được 1 cháu bé 6 tuổi.

Chủ động đối phó với tình hình lũ lụt đang có những diễn biến bất thường, những ngày này, Công an huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đã huy động 100% CBCS, các phương tiện ứng trực phòng, chống thiên tai 24/24; tích cực, khẩn trương hỗ trợ người dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Lào Cai, 12 xã đang bị cô lập hoàn toàn do các tuyến đường kết nối bị ngập nước, hoặc bị sạt lở, đường giao thông không thể kết nối được. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文