Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Dương thực hiện "3 tiên phong"

13:37 26/09/2024

Thủ tướng đề nghị Bình Dương tiên phong xanh hóa, số hóa nền kinh tế, chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...; tiên phong xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới.

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Cùng dự có: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố; đại diện các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Bình Dương đã đi từ không đến có

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3/8/2024 đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại.

Đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững, đồng thời là một đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao. Người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, phân tích vai trò, nội dung, yêu cầu, tư tưởng chủ đạo, cũng như nhiệm vụ của công tác quy hoạch, Thủ tướng cho biết sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Bình Dương đã có những đột phá từ vùng đất nông nghiệp, phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, hút hàng nghìn nhà đầu tư FDI, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân. Bình Dương đã đi từ không đến có, từ thấp đến cao; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể.

Quy mô GRDP của tỉnh tăng gấp gần 125 lần sau gần 30 năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 172,5 triệu đồng, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 85%, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, tỉnh là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu Việt Nam.

Tính đến cuối tháng 8/2024, Bình Dương thu hút hơn 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 41,8 tỷ USD, xếp thứ 3 cả nước.

Chỉ rõ một số hạn chế trong quá trình phát triển của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được chuẩn bị với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử.

Thủ tướng khẳng định đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; kết tinh của quá khứ, hiện tại, tương lai, kế thừa, đổi mới và phát triển.

Hoan nghênh Bình Dương trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính…, Thủ tướng đề nghị tỉnh thực hiện "3 tiên phong": tiên phong kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế; tiên phong xanh hóa, số hóa nền kinh tế, chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; tiên phong xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, lập nghiệp và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để thực hiện các định hướng này, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương khẩn trương triển khai hiệu quả Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Đồng thời điều phối, quản lý hiệu quả, bảo đảm liên kết, thống nhất và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, tạo ra các không gian phát triển mới.

“Tỉnh phải khai thác tối đa nguồn lực, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số...," Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bình Dương phải phát huy hiệu quả 3 không gian động lực, 5 chiến lược trọng tâm mà Quy hoạch đề ra. Đồng thời ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương vùng Đông Nam bộ; kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông; phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.

Tỉnh cần quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vì con người là yếu tố quyết định, phải có chính sách ưu tiên để nâng cao dân trí, đào tạo và thu hút nhân tài.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số PAPI, PCI...; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Dương.

Cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bình Dương phổ biến rộng rãi để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện và thụ hưởng những thành quả từ quy hoạch với tinh thần "Dân biết-Dân bàn-Dân làm-Dân thụ hưởng."

Bình Dương nên xây dựng Cung quy hoạch để trưng bày các đồ án quy hoạch của tỉnh; giới thiệu, triển lãm, quảng bá, tôn vinh thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và du lịch, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại-du lịch trong nước, quốc tế.

Các địa phương trong vùng Đông Nam bộ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng đến năm 2030; đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề liên tỉnh, thành phố.

Thủ tướng chỉ đạo các các bộ, ngành Trung ương giám sát, phối hợp, hỗ trợ thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Dương.

Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động ổn định, đầu tư lâu dài với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”; tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Vui mừng được biết Bình Dương là một địa phương đi đầu thu hút đầu tư, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phát huy sứ mệnh trên tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác theo tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; đã thực hiện là có hiệu quả."

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, quản trị thông minh, hiện đại với các mô hình khu công nghiệp thế hệ mới, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời đóng góp ý kiến tham vấn cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội.

Yêu cầu Bình Dương phát huy tinh thần đại đoàn kết trong nhân dân, Đảng bộ, truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, quốc tế, doanh nghiệp, địa phương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh..., Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, vị thế, vai trò của tỉnh ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của cả nước, đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, vươn mình, xây dựng cuộc sống người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no; đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Để thể hiện sự khích lệ, cam kết, đồng lòng trong việc thực hiện bản quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Dương thực hiện nghi thức khởi động thực hiện Quy hoạch tỉnh và các dự án, công trình trọng điểm chiến lược ở Bình Dương.

Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Bình Dương trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án tiêu biểu được cấp phép năm 2024 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,8 tỷ USD trong các lĩnh vực hạ tầng, đô thị, dệt may, cơ khí…

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các nhà đầu tư. 

Đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 4.300 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 41 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư cả nước.

Các doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh và đất nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy thương mại, công nghiệp và đầu tư tại Bình Dương; thúc đẩy giao lưu quốc tế, sản xuất thông minh...

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã kiểm tra, khảo sát hướng tuyến Dự án đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.

Cao tốc này đi từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Bình Dương tới Bình Phước, chủ yếu qua Bình Dương (52,1 km). Tổng mức đầu tư là hơn 17.400 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 49% chủ yếu cho giải phóng mặt bằng; 51% vốn còn lại là đầu tư xây dựng đường. Dự án được triển khai theo phương thức PPP, áp dụng mô hình thông tin công trình BIM ngay từ bước chuẩn bị đầu tư.

Dự án hiện đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có Liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp-CTCP (Becamex).

Khảo sát hướng tuyến dự án đường bộ cao tốc, Thủ tướng cho biết tuyến đường là trục cao tốc Bắc-Nam, kết nối các trục đường huyết mạch của Bình Dương với Bình Phước, Tây Ninh, các tỉnh Tây Nguyên xuống Đông Nam bộ và các sân bay, cảng biển lớn.

Đây là tuyến đường có ý nghĩa chiến lược nên phải triển khai sớm, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu đầu tư tuyến đường với hướng tuyến thẳng, ngắn nhất; nghiên cứu mở các nút giao phù hợp, là điểm nhấn về cảnh quan để khai thác lợi ích, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ phải lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín; đồng thời huy động các nhà thầu phụ giúp các doanh nghiệp địa phương lớn mạnh lên, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân. Bình Phước xem xét đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách 7km ở tỉnh để khai đầu tư đồng bộ với đoạn qua Bình Dương nhằm phát huy hiệu quả khai thác.

Thủ tướng yêu cầu cùng với thúc đẩy triển khai dự án phải xây dựng quy hoạch kết nối giao thông, đặc biệt quy hoạch các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị khai thác lợi ích của tuyến đường, theo hướng phát triển xanh, số, tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm Năng lượng và Tự động hóa toàn cầu.

Trong sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham quan Triển lãm Điện và Năng lượng 2024 (Electric Energy Show 2024) và Triển lãm Tự động hóa Việt Nam 2024 (Automation World Vietnam 2024) tỉnh Bình Dương.

Triển lãm giới thiệu các giải pháp và công nghệ tiên tiến ở lĩnh vực điện-năng lượng và tự động hóa, đồng thời diễn ra từ ngày 25-27/9 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Expo Bình Dương, thành phố Thủ Dầu Một.

Sự kiện thu hút 300 đơn vị/tổ chức với hơn 400 gian hàng từ hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc... và Việt Nam.

Thủ tướng trực tiếp trải nghiệm những sản phẩm và công nghệ mới nhất của nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung, Yamaha, LS Electric, Panasonic, cụm doanh nghiệp Becamex, khu công nghiệp KTG, VSIP cùng nhiều đơn vị khác.

Theo TTXVN

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文