Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai
Tối 21/5, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh và đón nhận bằng di sản thiên nhiên thế giới, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự, phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Diễn văn ôn lại lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Gia Lai, ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, trải qua những thăng trầm của lịch sử, Gia Lai đã có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng về thành phần các dân tộc, trong đó, hai dân tộc sinh sống lâu đời ở vùng đất này là Jrai và Bahnar.
Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24/5/1932, tỉnh Pleiku được thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12/12/1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai.
Qua 90 năm hình thành và phát triển, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân năm 2020 đạt 80.000 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015; năm 2021 đạt 88.051 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 30,38%; công nghiệp - xây dựng chiếm 23,41%; dịch vụ chiếm 40,58%; thuế sản phẩm chiếm 5,63%...
Chặng đường 90 năm của tỉnh Gia Lai tuy không dài so với chiều dài lịch sử của dân tộc, song những chiến công hiển hách trong kháng chiến, những thành tựu to lớn trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới là minh chứng hùng hồn cho ý chí kiên cường, bất khuất; tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, quyết tâm và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.
Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, khi có Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào các dân tộc Gia Lai đã có niềm tin, anh dũng vượt qua biết bao khó khăn, thử thách.
Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Gia Lai duy trì bình quân ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; y tế, giáo dục và đào tạo đều có những bước tiến vững chắc; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Những thành tựu mà tỉnh Gia Lai đã đạt được là rất cơ bản.
Thời gian tới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai cần tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đắp cho khối đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận giữa các dân tộc.
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp; làm tốt công tác quy hoạch theo hướng phát triển bền vững; quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.
“Gia Lai có một lịch sử đáng tự hào, một tương lai đầy triển vọng. Với những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm đã tích lũy được suốt mấy chục năm xây dựng, trưởng thành, nhất là với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ từng bước vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên tất cả các mặt, xứng đáng là một trong những địa phương phát triển bền vững, toàn diện ở Tây Nguyên và cả nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chương trình, tỉnh Gia Lai đã vinh dự đón nhận Bằng chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng do UNESCO trao tặng và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, Bằng xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá. Đây là niềm vui, niềm tự hào của tỉnh Gia Lai nói riêng và của Việt Nam nói chung.