Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc

09:02 04/07/2024

Tối 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc rất tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6-3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo.

Người đứng đầu Chính phủ đã tận dụng từng giờ, từng phút để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, quảng bá môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi của Việt Nam và gặp gỡ, chia sẻ  nhằm thu hút các Chaebol hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm Hàn Quốc (trong ảnh: Thủ tướng duyệt Đội danh dự, gồm đại diện các lực lượng của quân đội Hàn Quốc).

Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 12/2022) và là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Chuyến thăm được các chính giới, các doanh nghiệp đánh giá cao, đặt sự quan tâm đặc biệt vào chuyến thăm cũng như những cơ hội hợp tác vì sự hùng cường và thịnh vượng của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước.

Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc, phong phú, đa dạng với 34 hoạt động với chính giới, giới kinh tế, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức hữu nghị, tổ chức phi chính phủ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo; cùng Thủ tướng Han Duck Soo chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác được ký kết giữa các bộ ngành hai nước, hội kiến Tổng thống Yoon Suk Yeol, Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik; dự và phát biểu tại ba Diễn đàn về kinh tế, lao động, du lịch - văn hóa; dự và phát biểu tại hai Tọa đàm với các tổ chức kinh tế hàng đầu Hàn Quốc và với các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có bài phát biểu quan trọng về chính sách tại trường Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, thăm Tổ hợp bán dẫn của công ty Samsung và tiếp Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, thăm Đại sứ quán, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, thăm gia đình đa văn hóa Việt-Hàn.

Trong chuyến công tác, các Bộ trưởng, Lãnh đạo địa phương tham gia đoàn cũng có hàng chục cuộc tiếp xúc, làm việc với người đồng cấp và các đối tác Hàn Quốc. Các cuộc tiếp xúc, trao đổi với phía Hàn Quốc diễn ra trong bầu không khí chân thành, tin cậy, thực chất và hiểu biết lẫn nhau.

Với ý nghĩa quan trọng, chương trình phong phú, nội dung sâu rộng, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt các mục tiêu đề ra, kết quả thực chất, toàn diện, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực, tác động kịp thời đến môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.

Lãnh đạo hai nước đã đánh giá tiến triển của quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc kể từ khi nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, thống nhất các nội dung hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân trên các lĩnh vực hợp tác mới... Các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đã ký kết 40 văn bản hợp tác trong các lĩnh vực. 

Điểm lại tình hình triển khai và những thành quả hợp tác thực chất, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, hai bên đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính  đánh giá Việt Nam và Hàn Quốc có 5 điểm tương đồng lớn, đó là: (1) Tương đồng về lịch sử, có sự giao lưu văn hóa từ hơn 800 năm trước; (2) Tương đồng về khát vọng phát triển đất nước thông qua hội nhập và mở cửa; (3) Tương đồng về cách suy nghĩ nên dễ đồng cảm; (4) Tương đồng trong giao lưu nhân dân với mối quan hệ thông gia ngày càng gắn kết; (5) Tương đồng về khát vọng đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, thế giới.

Sau hơn 30 năm, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2009) và Đối tác chiến lược toàn diện (2022), quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện qua 8 điểm hơn: (1) Tin cậy chính trị cao hơn; (2) Hợp tác thương mại khởi sắc hơn; (3) Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh hơn; (4) Hợp tác lao động mở rộng hơn; (5) Hợp tác du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn; (6) Hợp tác giữa các địa phương gắn kết, thực chất hơn; (7) Hợp tác khoa học công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu tiến triển hơn; (8) Hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế chặt chẽ hơn.

Tổng thống Hàn Quốc khẳng định hỗ trợ Việt Nam về bán dẫn, công nghiệp văn hóa.

Tăng cường hiểu biết lẫn nhau và gia tăng tin cậy chính trị

Chuyến công tác đã làm sâu sắc sự tin cậy chính trị, củng cố quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa lãnh đạo cấp cao và tình cảm gắn kết giữa nhân dân hai nước.

Phía Hàn Quốc đã dành sự đón tiếp thân tình, trọng thị và chu đáo cho đoàn đại biểu Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm, hội kiến, gặp gỡ với tất cả các lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc, cũng như các nguyên lãnh đạo như nguyên Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Quốc hội. Lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm triển khai các thỏa thuận cấp cao, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện phát triển thực chất, hiệu quả và lâu dài.

Lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh việc giữa hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, bổ trợ lẫn nhau về kinh tế, nguồn nhân lực. Cộng đồng gần 300.000 công dân Việt Nam tại Hàn Quốc và 200.000 công dân Hàn Quốc tại Việt Nam, khoảng 80.000 gia đình đa văn hóa Việt - Hàn là yếu tố thuận lợi tạo sự gắn kết tự nhiên, chặt chẽ và cùng có lợi, qua đó phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, thực chất giữa hai nước.

Lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định Việt Nam là trọng tâm trong triển khai các chính sách đối ngoại của Hàn Quốc tại khu vực, trong đó có Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết ASEAN - Hàn Quốc (KASI). Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ chính sách và mục tiêu phát triển của Hàn Quốc, trong đó có chính sách “Quốc gia trọng điểm toàn cầu”.

Hai bên nhất trí củng cố nền tảng của quan hệ, đó là hiểu biết lẫn nhau và gia tăng tin cậy chính trị thông qua đẩy mạnh giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai nước dưới nhiều hình thức đa dạng và linh hoạt, với các chuyến thăm lẫn nhau và tại các diễn đàn, hội nghị đa phương; mở rộng hợp tác kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp xã hội của hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam mong muốn tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc về khát vọng vươn lên mạnh mẽ và những kỳ tích phát triển; đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy 5 “ưu tiên” trong phát triển quan hệ hai nước thời gian tới gồm: (1) Ưu tiên củng cố nền tảng của quan hệ; (2) Ưu tiên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư và lao động theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả, cân bằng bền vững; (3) Ưu tiên tạo đột phá về hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân; (4) Ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu; (5) Ưu tiên hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước Hội đàm.

Thúc đẩy các dự án hợp tác nhiều tỷ USD

Chuyến thăm đã đạt những kết quả thực chất trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, qua đó góp phần thực hiện các nội dung trong Chương trình hành động tháng 6/2023. Hơn một nửa các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm lần này tập trung vào lĩnh vực kinh tế và hai bên khẳng định hợp tác kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu trong hợp tác giữa hai nước.

Đến nay, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác số 1 về đầu tư trực tiếp, du lịch, số 2 về hợp tác phát triển (ODA), số 3 về lao động, thương mại của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc trong ASEAN. Đặc biệt, hai nền kinh tế và các doanh nghiệp hai nước có sự kết nối ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn và an toàn, là lựa chọn hàng đầu.

Hai bên nhất trí cùng triển khai các biện pháp cụ thể để sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng và bền vững; nhất trí thúc đẩy các thủ tục để sớm mở cửa thị trường của nhau cho quả bưởi của Việt Nam và dưa tây của Hàn Quốc trong năm 2024.

Lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là đối tác chiến lược về hợp tác phát triển (ODA); sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần triển khai các dự án hợp tác quy mô lớn với điều kiện ưu đãi đặc biệt, các công trình biểu tượng cho quan hệ hai nước; đề nghị thúc đẩy các khoản vay thông qua Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF) trị giá 2 tỷ USD và điều kiện vay không ràng buộc đối với các khoản vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) trị giá 02 tỷ USD để phát triển hạ tầng chiến lược như xây dựng tuyến đường sắt cao tốc.

Hai bên nhất trí khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp tương lai như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chất bán dẫn, năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học, mạng 5G, đô thị thông minh; nhất trí mở rộng giao lưu trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp; triển khai các dự án đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác cần thiết trong việc thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi ổn định.

Chuyến thăm đã thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác kinh tế rất cụ thể giữa hai nước. Thủ tướng đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, tọa đàm với các tổ chức kinh tế hàng đầu Hàn Quốc về năng lượng và tài chính, tiếp lãnh đạo hàng chục tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về tình hình và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam, đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đồng thời chứng kiến lễ ký 23 văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương hai nước về hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, bán dẫn, năng lượng và tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư an toàn, ổn định và nhiều dư địa hợp tác của Việt Nam; cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc thông báo hàng loạt kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trị giá nhiều tỷ USD, như LG dự kiến giải ngân thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới; Samsung cũng sẽ đầu tư mạnh trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu; Hyosung cam kết “đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam”, xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) với tổng vốn 300 triệu USD tại TPHCM…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo.

Nâng tầm hợp tác lao động, văn hóa, du lịch

Thông qua chuyến thăm, hai bên thúc đẩy hợp tác nguồn nhân lực, lao động, hợp tác văn hóa, du lịch.

Hai bên khẳng định hợp tác lao động đem lại lợi ích cho cả hai bên. Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số những nước phái cử lao động sang Hàn Quốc (khoảng 66 nghìn lao động), trong khi số lượng lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam cũng tăng nhanh hằng năm (gần 20 ngàn lao động), đứng đầu và chiếm trên 16% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cần cù, chăm chỉ, tay nghề cao, sáng tạo, đang ngày càng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước.

Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước đã mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân, người lao động. Gần đây, các cơ quan của Hàn Quốc đã sang Việt Nam xem xét, kiểm tra và chính thức đồng ý cho các thanh niên ưu tú Việt Nam tiếp tục quay trở lại theo chương trình lao động 4 năm, theo yêu cầu đào tạo chất lượng chuyên môn cao hơn, tay nghề cao hơn. Đây là cơ sở để quan hệ giữa lao động Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng đi vào đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất, có thu nhập cao hơn.

Hàn Quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam đào tạo lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho lao động Việt Nam sinh sống và làm việc ổn định, thuận lợi tại Hàn Quốc.

Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục hướng tới mục tiêu giao lưu nhân dân giữa hai nước đạt 5 triệu người. Lãnh đạo Hàn Quốc hoan nghênh và khẳng định sẽ hỗ trợ việc mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Busan trong năm 2024 và thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; Hàn Quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đưa hợp tác văn hóa và du lịch Việt Nam - Hàn Quốc lên một tầm cao mới, tạo ra giá trị, tạo xung lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Thủ tướng cũng đề nghị đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc; tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai nước, triển khai hiệu quả cơ chế “Gặp gỡ Hàn Quốc” tại các địa phương; đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam yên tâm và ổn định cuộc sống lâu dài tại Hàn Quốc.

Mở ra những chân trời hợp tác mới có ý nghĩa chiến lược

Chuyến công tác đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên một số lĩnh vực mới có ý nghĩa chiến lược như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Lãnh đạo Hàn Quốc mong muốn hai bên hợp tác để sớm tạo thành quả thực chất trong các lĩnh vực này, nhất trí nghiên cứu cơ chế trao đổi về phương hướng và các dự án cụ thể có thể triển khai trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; cam kết hỗ trợ Việt Nam 30 triệu USD trong 4 năm để thực hiện dự án nghiên cứu và phát triển R&D, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Dự án Viện khoa học công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc VKIST.

Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc xem Việt Nam là điểm đến chiến lược cho xây dựng các Trung tâm nghiên cứu và phát triển; khuyến khích chuyển giao công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào tháng 4/2025.

Lãnh đạo Hàn Quốc cho biết Việt Nam là nước đầu tiên ký Hiệp định về biến đổi khí hậu với Hàn Quốc và khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào tháng 4/2025.

Tình cảm đặc biệt và kỳ vọng với Việt Nam

Một điểm nổi bật trong chuyến thăm là tình cảm thân thiết, gắn bó, những đánh giá tích cực mà các đối tác, những người bạn Hàn Quốc dành cho đất nước, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, những người bạn Hàn Quốc đã chia sẻ chân thành về những tình cảm đặc biệt với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giáo sư Ryu Hong Lim, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul đánh giá Việt Nam đã vượt qua đại dịch COVID-19 một cách ngoạn mục và nhanh chóng phục hồi sau dịch. Nền kinh tế Việt Nam đạt kỳ tích thu hút hơn 36 tỷ USD vào năm 2023.

“Trong năm nay, Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế với tư cách là quốc gia công nghiệp mới nổi năng động nhất, tăng trưởng nhanh nhất, cũng như mẫu mực nhất, với tất cả các chỉ số kinh tế như sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu trong nước đều được cải thiện một cách đáng kể”, Giáo sư Ryu Hong Lim nói. Ông đánh giá Chính phủ Việt Nam đang triển khai các chương trình, chiến lược dài hạn nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới theo mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới công nghệ và trong lĩnh vực này, hai quốc gia được kỳ vọng là những đối tác hoàn hảo.

Cùng cách nhìn, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu đổi mới sáng tạo toàn cầu Hàn Quốc Kim Jin Pyo, nguyên Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ Việt Nam và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, riêng tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt cao nhất trong khu vực.

Chủ tịch Hội Giao lưu Kinh tế, Văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam (KOVECA) Kwon Sung Taek cho biết việc nhập cảnh vào Việt Nam là chủ để được các doanh nhân Hàn Quốc nhắc đến nhiều nhất, Việt Nam là một trong những nơi được người Hàn Quốc lựa chọn nhiều nhất để di du lịch. “Do đó, với chuyến thăm này, chúng tôi tràn đầy kỳ vọng hơn bất kỳ chuyến thăm nào của lãnh đạo Chính phủ, nguyên thủ quốc gia nào tới Hàn Quốc”, ông nói.

Các đối tác Hàn Quốc cũng nhiều lần bày tỏ tâm đắc với các thông điệp của Thủ tướng Chính phủ và cho biết sẽ thực hiện đúng tinh thần này trong quan hệ hợp tác. Ông Lee Jae Yong, Chủ tịch tập đoàn Samsung cho biết Samsung cam kết luôn đồng hành với Việt Nam trong phát triển bền vững theo đúng tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc tới.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun bày tỏ ấn tượng và chia sẻ về phương châm “3 cùng” (cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển) của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Về phần mình, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân Hàn Quốc tiếp tục dành tình cảm cho Việt Nam, “đã yêu quý rồi thì yêu quý nhiều hơn nữa”, chuyển tình cảm này thành những hành động, dự án, chương trình hợp tác cụ thể, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm và có hiệu quả cụ thể”.

Chuyến công tác của Thủ tướng đã thu hút sự quan tâm, chú ý, bình luận của báo chí quốc tế và Hàn Quốc, cũng như của bạn bè, đối tác quốc tế. Tiếp nối các hoạt động ngoại giao rất sôi động, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử trong thời gian qua, chuyến thăm là bước triển khai thiết thực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, không chỉ phát triển và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới, góp phần khẳng định vị thế, vai trò ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

PV

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文