Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa
Chiều 11/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện.
GRDP bình quân hàng năm (giai đoạn 2021-2023) tăng khá, ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. 9 tháng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%).
Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, nhiều dự án giao thông quan trọng liên kết các huyện miền núi với trung du, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thúc đẩy khai thác hiệu quả thế mạnh của tỉnh.
Giai đoạn 2021-2023 đã thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, hàng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021- 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước.
Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo; ước đến hết năm 2023, có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 48,15%).
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên; thể thao thành tích cao đạt nhiều huy chương tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; hỗ trợ đồng bào sinh sống trên sông làm nhà trên bờ để ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 ước còn 3,79%, bình quân giảm 1,5%/năm.
Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 3 cả nước, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 10 cả nước, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước.
Quốc phòng-an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn và tặng quà cho công nhân của Khu kinh tế gồm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng biển Nghi Sơn; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn.
Tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Ban quản lý dự án cho biết, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), trong đó PVN góp vốn 25,1%; IKC Nhật Bản 35,1%; KPI Kuwait 35,1% và MCI- Nhật Bản 4,7%, với tổng diện tích 670ha trên bờ và 590ha mặt nước. Công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm; dầu thô nhập khẩu từ Cô-oét. Tổng mức đầu tư: 9,0 tỷ USD.
Dự án được hưởng ưu đãi về hạ tầng như rà phá bom mìn, san lấp cơ bản, nạo vét lần dầu, đền bù di dân, hạ tầng tái định cư… bằng vốn ngân sách và PVN ứng trước. Tổng số tiền PVN đã ứng trước để thực hiện các hạng mục hạ tầng dự án là 3.778 tỷ đồng. Hiện PVN đang đề nghị ngân sách nhà nước hoàn trả. Hiện nay dự án hoàn thành xây dựng và đạt mốc nghiệm thu ban đầu, đưa vào vận hành thương mại vào ngày 14/11/2018.
Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp với 3/4 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu lớn của Việt Nam, tạo động lực cho phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ khu vực Thanh Hoá - Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia (với 10 triệu tấn dầu thô/năm trong 70 năm từ Kuwait, đáp ứng lên đến 35% nhu cầu xăng dầu trong nước); tạo hàng vạn việc làm; tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp trong lĩnh vực lọc hóa dầu trong tương lai.
Tính đến hết tháng 9/2023, NSRP đã chế biến khoảng 45,3 triệu tấn dầu thô, sản xuất khoảng 36,82 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó 10 tháng đầu năm 2023, NSRP sản xuất được 5,9 triệu tấn sản phẩm các loại (đạt 83% kế hoạch năm). Tổng sản lượng sản phẩm xăng dầu PVN đã bao tiêu khoảng 27,74 triệu tấn. Công tác vận hành đảm bảo an toàn, an ninh.
Tại buổi làm việc, Công ty NSRP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chương trình tái cấu trúc tài chính và chuyển đổi toàn diện công ty NSRP và kiến nghị tiêu thụ sản phẩm; kiến nghị hỗ trợ một phần chi phí xây dựng đê chắn sóng theo Phụ lục C của Cam kết bảo lãnh Chính phủ - GGU.
Cảm ơn Chính phủ Kuwait và Nhận Bản đã đầu tư vào dự án góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là là dự án liên danh lớn nhất hiện nay, những vướng mắc phải giải quyết vừa ở cấp Chính phủ và vừa phải cấp kỹ thuật.
Trong đó cấp kỹ thuật, Thủ tướng yêu cầu phải tái cấu trúc lại quản trị, nhân sự, nội hóa người Việt trong lãnh đạo nhiều hơn; phân cấp phân quyền, xây dựng các quy trình quy định đầy đủ, tăng cường giám sát kiểm tra.
Thủ tướng cho rằng, 70% vốn của dự án là đi vay với lãi suất cao, sản xuất thì “ì ạch” thì phải thay đổigiải pháp; khi tái cấu trúc về tài chính, góp vốn thì phải tái cấu trúc lãi vay.
Cùng với đó, Thủ tướng đã đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng thời đề nghị NSRP và các bên nước ngoài chủ động phối hợp tốt và chặt chẽ với PVN trong công tác tái cấu trúc trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì lợi ích chung của các bên; đồng thời phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, không làm phát sinh trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị ban lãnh đạo NSRP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức vận hành Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn bảo đảm tuyệt đối về an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường; sản xuất, cung ứng đầy đủ nguồn xăng dầu theo đúng kế hoạch đã đăng ký với Bộ Công Thương phục vụ cho thị trường nội địa đặc biệt trong những tháng cuối năm khi nhu cầu tăng cao.