Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang
Chiều 24/3, tại TP Mỹ Tho, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tham dự cuộc làm việc có: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Theo Tỉnh ủy Tiền Giang, 3 năm qua (2021-2023), trong bối cảnh khó khăn chung, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đã bám sát các nhiệm vụ, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang; giải đáp các đề xuất, kiến nghị và gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Trong đó, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, Tiền Giang cần tiếp tục phát huy lợi thế vùng đất, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lợi thế là cửa ngõ giữa miền Tây với TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; phát huy đặc trưng văn hóa sông nước.
Nhất trí giải quyết các kiến nghị của tỉnh, các đại biểu đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung khắc phục các hạn chế, khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún và ngập mặn; huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược; cần tạo dựng một số trung tâm công nghiệp lớn về chế biến, chế tạo, chế biến nông - thủy sản; tăng kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng của tỉnh với khu vực và quốc tế…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tiền Giang đã đạt được, góp phần vào thành tựu chung của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Chỉ rõ các khó khăn, hạn chế, thách thức của Tiền Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Theo Thủ tướng, Tiền Giang phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, dựa vào khoa học kỹ thuật, kinh tế chia sẻ, chuyển đổi xanh; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển thương mại điện tử...; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Tỉnh cần tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đặc biệt, phải xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Tiền Giang khẩn trương ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp người dân trong tỉnh, tạo đồng thuận trong triển khai.
Trong đó, tỉnh phải chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng du lịch, bảo đảm kết nối nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...
Thủ tướng tin tưởng, với tiềm năng sẵn có, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tiền Giang sẽ tạo khí thế mới, động lực mới, niềm tin và khát vọng mới, đạt kết quả năm sau cao hơn năm trước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là những vấn đề chính đáng, cần xem xét, vì đều có mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ có ý kiến cụ thể xử lý cho từng đề xuất của tỉnh; giao bộ, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Tiền Giang và địa phương liên quan để giải quyết; trên nguyên tắc bám sát chủ tương, đường lối phát triển đất nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành và căn cứ điều kiện, tình hình và bối cảnh chung, đặc biệt tính hiệu quả của dự án; những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.
Trước đó, sáng cùng ngày, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Quy hoạch tỉnh Tiền Giang được xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, mở ra đường hướng, không gian phát triển mới. Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Tiền Giang là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Tiền Giang là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tiền Giang khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa và đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả các nguồn lực… tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển đô thị nhằm khai thác tốt vị trí trung tâm vùng ĐBSCL và tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh.
Các bộ, ban, ngành Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,... tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhất để thu hút đầu tư.