Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc với cử tri Cần Thơ

13:50 21/05/2022

Sáng 21/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến trước kỳ họp thứ 3, QH khóa XV.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Tại điểm cầu Hội trường Huyện ủy Phong Điền (TP Cần Thơ) có các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ: đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Thành ủy Cần Thơ – Trưởng đoàn ĐBQH thành phố; đồng chí Đoàn Chí Nghĩa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an thành phố - ĐBQH thành phố và các điểm cầu tại UBND 25 phường, xã, thị trấn thuộc 3 quận huyện: Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến trong buổi tiếp xúc cử tri TP  Cần Thơ trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ báo cáo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và báo cáo hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV đến nay. Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại diện ngành chức năng và chính quyền địa phương giải trình, tiếp thu và ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP Cần Thơ bày tỏ vui mừng vì Chính phủ đã có các giải pháp sáng suốt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó, cả nước đã thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, cuộc sống dần trở lại bình thường, kinh tế-xã hội từng bước phục hồi, phát triển.

Cùng với đó, nhiều cử tri cho rằng dịch COVID-19 khiến người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, đề nghị Nhà nước tiếp tục có chính sách để hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Quốc hội, chính quyền địa phương có giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; đầu tư xây dựng trung tâm y tế ngang tầm với vai trò là trung tâm vùng ĐBSCL.

Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri tại điểm cầu Hội trường Huyện ủy Phong Điền (TP Cần Thơ).

Cử tri TP Cần Thơ cũng kiến nghị Nhà nước có chế độ, chính sách cho đối tượng bán chuyên trách ở cơ sở yên tâm công tác. Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh những vướng mắc trong thực hiện pháp luật về đất đai như thiếu hợp lý trong việc cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn, tình trạng quy hoạch treo, cò mồi đất gây sốt ảo, đẩy giá đất lên cao... đề nghị Chính phủ có giải pháp quản lý tình trạng này.

Đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giải trình, tiếp thu ý kiến cử tri.

Tại điểm cầu Huyện ủy Phong Điền, đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng đại diện các sở, ban ngành, chính quyền địa phương đã giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn cử tri TP Cần Thơ đã có các ý kiến rất thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm, nêu vấn đề cần phải có giải pháp cụ thể để giải quyết những băn khoăn, trăn trở, mong muốn này. Các vấn đề cụ thể liên quan cơ chế, chính sách, hạ tầng, y tế, Luật Đất đai, các vấn đề liên quan cuộc sống hàng ngày. “Đây là buổi tiếp xúc hết sức dân chủ, khách quan”, Thủ tướng nhấn mạnh.    

Thủ tướng Chính phủ điểm lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và quý I/2022. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, lây lan nhanh và nguy hiểm, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, xảy ra xung đột tại Ukraine... Nhiệm vụ của cả nước vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa phải ứng phó với các vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ và xử lý một số công việc tồn đọng nhiều năm. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế..., cả nước đã chuyển hướng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, song kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng. Tình hình chính trị ổn định, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, ANTT được đảm bảo, hoạt động đối ngoại được tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được đảm bảo, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên... Trong thành tích chung của cả nước, có đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, cử tri TP Cần Thơ.

Cử tri tại các điểm cầu tại TP Cần Thơ lắng nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn, cả nước, trong đó có TP Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, Bộ Chính trị có Nghị quyết 13-NQ/TW, xác định rất rõ tầm quan trọng của khu vực này. Chính phủ đã công bố quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL, đây là quy hoạch vùng đầu tiên. Trong đó, Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, phải đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP Cần Thơ tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trong đó tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, hoàn thành tiêm xong 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi phải tiêm xong, tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022. Cùng với đó, thành phố phải phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội, hoàn thành các dự án giao thông kết nối vùng…

Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối TP Hồ Chí Minh, Cà Mau và phát triển đường vành đai phía tây thành phố… Tổ chức thực hiện từng bước một, có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư các cảng, phát triển các khu công nghiệp. Phát triển các trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu, tạo ra các trung tâm như trường đại học y dược, cao đẳng nghề, công nghệ.

Triển khai dự án khu hành chính, huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư hiệu quả, chú trọng nguồn lực đầu tư xã hội, phấn đấu vốn đầu tư xã hội mỗi năm tăng 10%... Công tác quy hoạch phải bám sát nhiệm vụ, mục tiêu của thành phố, làm sao khai thác được tối đa tiềm năng, sự khác biệt của địa phương, tạo ra động lực mới, sự hấp dẫn. Tăng cường hợp tác công tư, làm tốt công tác quy hoạch TP Cần Thơ gắn với quy hoạch vùng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, điều quan trọng là nêu cao tính tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, coi trọng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo đảm an ninh quốc phòng, khẳng định vị trí trung tâm về y tế, khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng ĐBSCL. Tiếp tục thu hút nhân lực chất lượng cao. Tăng cường liên kết cho khu vực, nhất là giao thông. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, gắn với cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tinh giản biên chế nhưng cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Tăng cường phân cấp, phân quyền. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.

“Cần Thơ là trung tâm ĐBSCL, Đảng, Nhà nước, nhân dân kỳ vọng sự lớn mạnh của thành phố, có sự hỗ trợ phát triển hạ tầng lớn, song cần sự nỗ lực của thành phố. Trên tinh thần đó, để Cần Thơ phát triển thành thành phố hạt nhân của khu vực, thành phố phát triển của Đông Nam Á, cần dành nguồn lực, có cơ chế, chính sách phù hợp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh .

Trần Lĩnh

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文