Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Yên Bái chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, thiên tai

11:42 12/09/2024

Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Yên Bái, thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi đời sống người dân - Ảnh VGP/Hà Văn

Điểm đầu tiên Thủ tướng tới thị sát, động viên người dân và các lực lượng là tổ dân phố Bảo Thắng, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Tại đây, thời tiết đã tốt hơn, nước lũ đã rút, song bùn đất và rác thải vẫn ngổn ngang trên đường phố và nhà dân, công sở... Các lực lượng Quân đội, Công an, thanh niên, phụ nữ... đang huy động tối đa lực lượng dọn dẹp, vệ sinh môi trường.

Trong những ngày qua, bão số 3, mưa lũ, thiên tai đã gây hậu quả rất lớn tại các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra. Sau bão, tại Bắc Bộ liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ một số nơi ở thượng nguồn đã vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện, liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở… từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất; thành lập các đoàn do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương; quyết định lập Ban Chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với cán bộ Công ty Lương thực Yên Bái, thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc - Ảnh VGP/Hà Văn.

*Yên Bái là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ, thiên tai hiện nay. Đặc biệt, Yên Bái có hồ thủy điện Thác Bà - một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm ở 2 huyện Lục Yên và Yên Bình.

Tính tới chiều tối 11/9, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Yên Bái đã có 44 người thiệt mạng và mất tích, 23 người bị thương. Tỉnh ước giá trị thiệt hại tài sản khoảng 820 tỷ đồng.

Về công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trường Mầm non Hoa Lan, phường Hồng Hà, TP Yên Bái - Ảnh VGP/Hà Văn.

Tổng số lực lượng huy động tham gia khắc phục hậu quả của thiên tai là trên 30.835 người; 129 máy xúc, 14 máy ủi, 63 xuồng máy, 24 thuyền máy, 11 thuyền nan, 38 máy phát điện, 168 máy cưa xăng….

Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện xuống hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân bị thương vong do sạt lở đất, đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, đồng thời hỗ trợ tạm thời cho gia đình có người bị chết 25 triệu đồng/người; hỗ trợ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng/người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP Yên Bái - Ảnh VGP/Hà Văn.

Tỉnh đã di dời 12.008 hộ dân có nhà bị hư hỏng và 21.288 hộ dân có nhà bị ngập để đảm bảo an toàn. Thành phố Yên Bái và các huyện bị ảnh hưởng nặng, nhất là các địa bàn bị cô lập đã triển khai mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời tiếp nhận hàng cứu trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân để cứu trợ cho các hộ trong vùng ngập lụt.

Thủ tướng thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ Công an phường Hồng Hà - Ảnh VGP/Hà Văn.

Số lượng hàng hóa cứu trợ ước tính có: Gạo 2 tấn; bánh mỳ, bánh ngọt 3.500 cái; giò 300 kg; cơm, xôi 5.000 suất; mỳ tôm 3.000 thùng; nước uống 3.500 thùng; lương khô 1.000 hộp; sữa 500 thùng...

*Riêng với đập thủy điện Thác Bà, ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập.

Trưa cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đi thị sát tình hình lũ lụt và công tác ứng phó tại tỉnh Bắc Giang, đã dừng lại để họp trực tuyến với các điểm cầu, trong đó một nội dung trọng tâm là bảo đảm an toàn đập Thác Bà.

Thủ tướng thị sát khu vực sạt lở làm 2 người bị vùi lấp (chưa tìm thấy) tại phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái - Ảnh VGP/Hà Văn.
Khu vực sạt lở làm 2 người bị vùi lấp (chưa tìm thấy) tại phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái - Ảnh VGP/Hà Văn.

Ở thời điểm đó, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức rất cao, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ.

Nhấn mạnh tinh thần là đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp tục ở lại Yên Bái, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, quyết định các vấn đề liên quan. Tỉnh Yên Bái và các địa phương khác chủ động lên phương án di dời người dân có thể bị ảnh hưởng tới nơi an toàn, cùng các bộ ngành, cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu, kể cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Yên Bái và lực lượng quân đội, công an phối hợp, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa bàn bị chia cắt, chủ động, sáng tạo tìm cách tiếp cận, kể cả phương án sử dụng trực thăng.

Yên Bái là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ, thiên tai hiện nay - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Tỉnh Yên Bái đã cho di dời 3.186 hộ với 11.279 nhân khẩu của 24 thôn, tổ ở các xã Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh, thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình) để đảm bảo an toàn cho người dân khi Nhà máy thủy điện Thác Bà xả lũ.

Đến nay, thủy điện Thác Bà an toàn, lưu lượng nước về hồ đã giảm dần.

Theo VGP

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文