Thủ tướng: 'Phát huy hết khả năng, tâm huyết phát triển nhà ở xã hội đúng nghĩa'

17:26 16/03/2024

Thủ tướng khẳng định, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu Ủy ban Nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có chính sách nhà ở, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; chỉ đạo triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Đến nay, cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất, với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội. Từ năm 2021 đến năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 411 nghìn căn.

Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như: tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn;; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa 9 dự án, 4.948 căn…

Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế như: Hà Nội 03 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; Thành phố Hồ Chí Minh 07 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 05 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%... Một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Đặc biệt, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 08 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, kiểm điểm lại các chủ trương, chính sách, thể chế; cách làm; việc xây dựng quy hoạch, dành quỹ đất, tài chính cho phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị cho rằng, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn.

Do đó, các đại biểu đề nghị cụ thể hóa chính sách sở hữu nhà ở, mua, thuê mua nhà ở xã hội; làm rõ khái niệm về nhà ở xã hội, xác định quyền sở hữu, sử dụng; rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia phát triển nhà ở xã hội; đối tượng được tham gia, hưởng ưu đãi chính sách phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa xây dựng khung chính sách toàn diện, linh hoạt để các địa phương áp dụng phù hợp; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; quy định cụ thể hơn về xuất đầu tư, các danh mục, hạng mục được ưu đãi, hỗ trợ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội; chính sách hỗ trợ về vốn, thuế cần ưu đãi hơn...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; nhấn mạnh, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp, cả nước đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giúp cho hàng chục nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn.

Nhấn mạnh các quan điểm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thủ tướng khẳng định, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.

Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường… Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.

Theo Thủ tướng, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nội dung quan trọng của các chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Tinh thần là “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.”

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương phải gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn và tuân thủ pháp luật, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, để phát triển nhà ở xã hội, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” thì tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, tâm huyết của mình, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, sáng tạo, kịp thời, cộng với trách nhiệm, đạo đức xã hội để thực hiện các công việc cho tốt, chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội đúng nghĩa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024-2025 theo quy định pháp luật về nhà ở. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.

Các địa phương đăng ký chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phấn đấu trong năm 2024, mỗi Bộ thực hiện 5 nghìn căn hộ nhà ở xã hội; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phấn đấu trong năm 2024 thực hiện 2 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương nghiên cứu việc đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội thành chỉ tiêu pháp lệnh, hằng năm phải có báo cáo.

Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, Hội đồng Nhân dân ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, Ủy ban Nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm không đùn đẩy, né tránh.

Thủ tướng lưu ý các địa phương nhiệm vụ quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; nhắc nhở, những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, mua nhà, phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững.

Cùng với đó, tổ chức đấu giá, đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai minh bạch và tăng tỷ lệ ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tốt.

Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.

Cùng với đó, có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.

Đối với các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội; sau khi khởi công dự án cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.

Các doanh nghiệp, ngân hàng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo luật, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh để kinh doanh nhà ở xã hội phù hợp tình hình, điều kiện người dân và lưu ý đến điều kiện khó khăn của họ, nhất là với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, công nhân thiếu chỗ ở...

Tinh thần là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng đề nghị, người dân cũng phải có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong tiếp cận nhà ở, cố gắng cao nhất trong điều kiện có thể, tinh thần là không ai lo cho mình tốt hơn mình cùng với các chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng…

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu, số lượng nhà ở xã hội năm 2024 đã được Bộ Xây dựng tập hợp. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Bộ Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch, mục tiêu, số lượng cụ thể xây dựng nhà ở xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2024.

Thủ tướng yêu cầu ngay sau Hội nghị này, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến; sớm trình ban hành Kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngắn gọn với thông điệp, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, đánh giá, kiểm tra, dễ tuyên truyền, tập trung các vấn đề trọng tâm, trọng điểm.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, chủ động xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thật tốt chính sách phát triển nhà ở xã hội; đồng hành, hỗ trợ thực chất, hiệu quả đối với doanh nghiệp, người có thu nhập thấp, công nhân và người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo TTXVN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文